Diva Hà Trần kể chuyện chồng chăm con thay vợ, tiết lộ khoảnh khắc khóc 'tu tu' khi nhìn thấy con gái mới sinh
Sang Mỹ sinh sống đã lâu và hạnh phúc với một gia đình nhỏ, thi thoảng Hà Trần có về nước để tham gia một số show ca nhạc của một số người bạn thân thiết. Chị đã tiết lộ cuộc sống của mình bên Mỹ trong chia sẻ mới đây.
Sinh ra trong cái nôi âm nhạc, bố là NSND Trần Hiếu, mẹ là nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền (nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia), chú là nhạc sĩ nổi tiếng Trần Tiến, Trần Thu Hà đến với âm nhạc trước hết để thừa lãnh di sản gia đình, để nối nghiệp bố mẹ khi anh trai cô quyết định đi theo một con đường khác.
Âm nhạc là một trách nhiệm, là sĩ diện của gia đình. Khiên cưỡng đến với âm nhạc, thế nhưng Hà Trần lại làm được điều mà bao thế hệ ca sĩ mơ ước - trở thành một trong 4 Diva của làng nhạc nhẹ Việt Nam đương đại. Sự thành công của Hà Trần trở thành tấm gương cho sự nỗ lực rèn luyện và cũng là minh chứng cho câu nói truyền đời "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".
Chào Hà Trần, lâu rồi không thấy chị về Việt Nam biểu diễn, dường như chị rất bận rộn với công việc của mình ở Mỹ?
Tôi cũng thi thoảng về Việt Nam đó chứ, cũng có những lần tôi về nước nhưng không biểu diễn mà chỉ là chuyến về thăm gia đình thôi. Với tôi, hai tiếng Việt Nam luôn là những âm thanh thiêng liêng nhất. Ở Việt Nam tôi nhận được nhiều yêu thương, được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc, có được sự nghiệp khá may mắn, đời sống tinh thần trù phú, như mọi người, tôi yêu chốn này.
Hồi đó, tôi quyết định đi nước ngoài vì tôi cảm thấy cần phải có khung trời rộng lớn hơn. Có thể khi bay đến đó, tôi chỉ là một con chim nhỏ, lạc loài, không tên nhưng tôi cần một không gian lớn hơn, thử thách lớn hơn để đựng tôi trong đấy.
Từ việc ít về Việt Nam biểu diễn, chị có bao giờ lo tên tuổi của mình sẽ bị "nhạt nhòa" trong mắt khán giả không?
Tôi không lo lắng điều ấy, nhiều người nói rằng “thầy đồ già con hát trẻ”, rằng ca sĩ lớn tuổi sẽ không được chú ý như trước nữa, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy, những người giọng ca đặc biệt thì càng về sau càng hay, kiểu như gừng càng già càng cay. Bởi người nghệ sĩ đó có nhiều trải nghiệm hơn, nhưng với điều kiện người nghệ sĩ đó vẫn tiếp tục yêu nghề, dám sống với âm nhạc.
Sống ở Mỹ, 6 năm đầu, ban ngày tôi sinh hoạt như người bình thường, đi làm mọi việc. Cứ tối ngủ vô thức lại thấy mình quay về Việt Nam, ngày nào cũng thế, về Hà Nội gặp tất cả bạn bè thân quen và gia đình. Mở mắt ra lại đang sống ở Mỹ. Tức là trong 6 năm đó, giấc mơ của Hà không hề nạp thêm những dữ liệu mới, gương mặt mới tại nơi chốn mới mà luôn nhớ về nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
Hiện tại Hà đã mạnh mẽ hơn nhiều rồi, sống cùng chồng con ở Mỹ. Thời gian biểu của tôi tại Mỹ bắt đầu vào 7h sáng. Lúc đó, tôi dậy làm đồ ăn sáng cho con. Rồi khi chồng đưa con đi học, tôi mới ăn sáng, tập thể dục, kiểm tra thư điện tử, liên hệ với các đối tác trong nước, rồi đi chợ nấu cơm. Hai rưỡi chiều đón con về, hai mẹ con chơi với nhau hoặc đưa con đi học ngoài giờ. Tối tôi đọc sách cho con nghe trước khi con ngủ vào 8 rưỡi tối. Sau đó mới là thời gian để Hà chuẩn bị, tập luyện cho các buổi diễn.
Nghe nói là chị chăm con rất khéo?
Bản thân tôi là người sống rất khoa học nên khi nuôi con tôi cũng đọc sách rất nhiều vừa tham khảo theo sách vừa tham khảo phương pháp Việt Nam. Và ở nước ngoài khi nào cũng có hai bác sĩ, một của mẹ, một của em bé, hàng tháng lại phải đi khám bác sĩ nên mình rất nhiều thông tin về cách nuôi dạy em bé. Bởi bác sĩ sẽ chỉ dẫn cho mẹ những giai đoạn nào thì phải chăm sóc em bé cho thích hợp.
Tôi không nuôi con theo cách bồng bế, ôm ấp như ở Việt Nam, như thế không tạo được sự tự lập cho em bé, mà ở một môi trường như ở Mỹ thì rất cần một kỹ năng sống nhanh nhạy và tự lập. Tôi cố gắng để cách nuôi con của mình phù hợp với nơi mình đang sống, chỉ có tình cảm là giữ như ở nhà. Vì không có nhiều người thân xung quanh như ở Việt Nam nên bố mẹ phải dành tình cảm cho em bé gấp nhiều lần, không thể bỏ mặc con đi cả ngày được.
Con gái chị - bé Nala có măng khiếu âm nhạc không?
Nala là một cô bé đầy năng khiếu, học rất nhanh. Không nói được tiếng Việt mấy đâu, nhưng hát được các bài của mẹ. Suốt ngày nhảy múa hát hò, rất tự nhiên. Năm lên 5 tuổi đã sáng tác hoàn chỉnh 4-5 bài hát, bố mẹ chỉ giúp phần ghi âm thôi. Ngoài ra còn bộc lộ năng khiếu nhiều mặt, như thể thao, hội họa, ngôn ngữ…
Giờ cháu hơn 8 tuổi, chúng tôi vẫn cho hoạt động nhiều lĩnh vực. Xin đi học gì, làm gì đều được như ý. Bố mẹ không gò ép, chỉ yêu cầu có kết quả cụ thể. Tôi sẽ để con tự lựa chọn chứ không bắt cháu làm những gì mình thích.
Nala đã lớn, có khi nào chị muốn đưa con về Việt Nam?
Mỗi môi trường có một sự so sánh khác nhau, ví dụ ở Việt Nam không có chỗ cho cháu chơi, đường xá thì chật chội, bụi bặm và ồn ào, ít công viên. Nhưng lại có rất nhiều người để chơi với cháu, nói chuyện với cháu. Còn ở bên kia thì điều kiện nuôi cháu tốt hơn nhưng lại neo người hơn.
Ở đâu cũng có cái hay cái dở, cái được cái mất, tôi không bị strees lắm khi nuôi con vì đã được chồng giúp rất là nhiều, anh ấy đã tập trung chăm sóc em bé nên tôi chỉ việc chia thời gian giữa công việc và gia đình mà không cảm thấy mệt mỏi.
Nghe nó Hà Trần thần tượng chồng lắm, chưa bao giờ thấy chị chê anh ấy?
Tại vì không chê được, dù muốn “chê” lắm. Bạn thử nghĩ xem, bây giờ có một người đã giúp đỡ, hỗ trợ, ủng hộ trong sự nghiệp của mình từ khi chưa có con, cho đến khi có con thì lại trông con và bế con cho mình thì chê làm sao được. Đặc biệt là 10 năm nay trên con đường nghệ thuật, mình vẫn có thành công và những thành quả đạt được trong âm nhạc thì phải thấy được sự hy sinh rất lớn của người bạn đời, khi đã hậu thuẫn tốt cho mình như vậy.
Bản thân tôi thấy rất là may mắn vì trước đây cuộc sống của tôi không hề suôn sẻ, rất lận đận trong tình yêu. Trải qua nhiều tình yêu nhưng không thấy đâu để có thể yên tâm và đỗ bến được, nhưng khi gặp chồng mình, thì mình thấy một cảm giác yên tâm mà không có sự lo lắng nào.
Khoảnh khắc nào trong cuộc sống khiến chị cảm động nhất và không bao giờ quên được?
Đối với người phụ nữ khoảng khắc tuyệt nhất là đứa con chào đời, không có gì so sánh được. Còn riêng với tôi, khi mà nhìn thấy em bé chào đời, cái cảm giác đầu tiên là tôi đã khóc như một đứa trẻ, tôi khóc tu tu, khóc to hơn cả em bé, đến nỗi con gái đang khóc thấy mẹ khóc to hơn nên nín khóc luôn (cười).
Bởi vì tôi đã mong chờ điều này đã quá lâu rồi, trước cả 9 tháng 10 ngày tôi đã mong mỏi muốn biết con mình, từ mặt mũi, tay chân, hình hài như thế nào. Tôi thấy đó quả là giây phút cảm động nhất, kỳ diệu nhất.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!