Diva Mỹ Linh, Thanh Lam kể về những kỷ niệm không thể nào quên với nhạc sĩ Phó Đức Phương
Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời ở tuổi 76 trong sự thương tiếc của nhiều người. Dù biết ông bị ung thư tụy trước khi qua đời nhưng nhiều người không khỏi xót xa. Ông được gọi là nhạc sĩ của những ca khúc trữ tình về quê hương, đất nước. Tên tuổi của ông đã làm nên 'Bộ tứ Sông hồng' – Với những nhạc sĩ có công lớn góp phần vào sự phát triển của Âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ từng chê Mỹ Linh hát Trên đỉnh phù vân…
Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời lúc 12 giờ 18 phút trưa 19/9 tại Hà Nội sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi. Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương khiến nhiều người tiếc nuối nhất là những ca sĩ, đồng nghiệp từng làm việc với ông.
Chia sẻ với PV, Diva Mỹ Linh cho hay: “Nghe tin chú ra đi, tôi buồn lắm. Chú Phương là một người rất vui tính, thường tạo ra không khí thoải mái với người đối diện. Mọi người thường bảo chú khó tính, những chỉ trong âm nhạc thôi. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh của chú khi tôi đến thăm chú ở bệnh viện, có thể đó là sự ám ảnh: Chú vẫn cười tươi đến tận mang tai khi có người đến thăm, dù mình đang bị đau rất nhiều. Đến thăm chú bệnh mà ghe chú kể đủ chuyện không dứt, từ chuyện từ khi mang bệnh ra sao, đi xét nghiệm máu thế nào.
Gặp chú tôi không có cảm giác của người bị ốm mà ngược lại còn truyền cảm hứng sống cho những người trẻ như chúng tôi. Vậy mà...
Kể về kỷ niệm về bài hát Trên đỉnh phù vân với nhạc sĩ Phó Đức Phương, Mỹ Linh cho hay: “Bài Trên đỉnh phù vân ghi dấu ấn của Mỹ Linh, tôi đã đưa bài hát vào chương trình Duyên dáng Việt Nam 5 và nó là hiện tượng của thời đó.
Bốn đêm liền, người ta vỗ tay không mệt, cứ hát một câu vỗ tay một câu. Thành công của bài hát mới dội ngược ra Hà Nội. Chứ lúc đầu mới hát (trong kịch) có ai quan tâm đâu, chả ai biết bài đó là bài gì. Sau chương trình Duyên dáng Việt Nam đấy, mình gọi điện ra khoe: “Chú ơi thích lắm, tuyệt vời lắm”… “Thế hả cháu”, lúc đó ông vui vẻ hỏi tôi. Cho đến khi ông nghe được bản thu âm đêm diễn, dội luôn gáo nước lạnh: “Không được, không được! Hoàn toàn khác ý chú rồi”. Thế là thôi. Không ai nói ai cả nhưng vẫn có kiểu giận giận nhau… Linh đã từng nghĩ, sao chú khó tính thế? Tại sao cứ phải nhất định phải hát như kiểu cũ thế. Như vậy tính định kiến rất cao. Chú ấy đóng trong một cái hộp và tất cả chỉ được ở trong đấy thôi, không được bước ra ngoài. Thế nhưng sau này hiểu ra, mới biết là chú khó tính là muốn các ca sĩ trẻ có nền tảng tốt trong âm nhạc”.
Diva Thanh Lam cũng kể về kỷ niệm với nhạc sĩ “Về quê”: “Hôm chú ốm nặng, lúc chuẩn bị tham gia đêm nhạc Khúc hát phiêu ly mà mọi người tổ chức cho chú. Tôi và Mỹ Linh có rủ nhau đến thăm chú ở bệnh viện. Tôi lại thấy ám ảnh bởi ánh mắt của chú. Một ánh mắt sáng, tinh nhanh, chú kể chuyện về bệnh, về những dự định âm nhạc dở dang của mình. Làm việc với chú Phó Đức Phương thì phải có “tinh thần thép” bởi chú… kỹ tính. Nhạc sĩ Phó Đức Phương khi viết tác phẩm đã tính toán rất kỹ về biên độ cảm xúc lẫn giai điệu. Âm nhạc của ông mang nhiều tính toán học. Thực ra tác phẩm của ông đã hoàn hảo rồi, kỹ từng nốt nhạc một”.
“Hát nhạc của Phó Đức Phương rất thích vì chú đã tính hết những phương án để cho nghệ sĩ đi đúng những bản đồ mà chú đã dựng lên trong tác phẩm của mình. Chú hát thị phạm tác phẩm cho ca sĩ rất kỹ và khi mình thu thanh cũng vậy, phải đúng từng nốt một. Những khuôn khổ định sẵn ngoài việc gò bó thì cũng là kỷ luật tốt cho nghệ sĩ...
Hơn 70 tuổi vẫn học tiếng Anh hàng ngày…
Nhà văn Trần Thị Trường là người làm việc khá nhiều cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương, bà cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật biết: “Ông ấy gàn và nghèo lắm. Nhà riêng của ông chỉ có 49m2 trong ngõ Văn Chương đông đúc và chật chội, nội thất không có vật gì đáng giá trừ chiếc đàn piano, cả nhà ở đó mấy chục năm. Mãi đến cuối năm 2017, ông mới dọn về ngôi nhà 80m2 ở Âu Cơ, là ngôi nhà người ta gán nợ cho ông, chứ ông không có tiền đâu. Ông ấy chính là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” khi bỏ việc sáng tác đi đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN (VCPMC).
Khi đó, phải làm việc với những đơn vị ở nước ngoài nên ông ấy đã quyết tâm đi học tiếng Anh. Ông ấy rủ tôi đi học và bảo: "Này bọn trẻ nó nói tiếng Anh giỏi lắm, cậu đi học tiếng Anh với tớ đi, không thì lạc hậu mất. Nếu gặp đối tác nước ngoài mà thư ký đi cùng hay cầm giấy đọc thì bất tiện lắm, ngượng lắm". Thế là hàng ngày, một ông già hơn 70 tuổi vẫn đi học tiếng Anh. Tôi cho rằng, anh Phương là một người có phẩm cách tốt đẹp, tôi phải học anh Phương rất nhiều”.
“Với tư cách là một người bạn, tôi thấy anh Phương là một người sống hết lòng với mọi người. Anh ấy luôn lạc quan với tình hình sức khỏe của mình. Khi chuyển về nhà ở Âu Cơ, anh Phó Đức Phương bảo: “Cả đời tớ ước ao có được mảnh đất để trồng vườn, giờ thì cũng chặng cuối rồi, chắc chả hy vọng nữa nên thôi, tớ lại làm vườn trên mái”. Và một cái vườn rộng hơn một chút trên cao lại được làm ra để rồi bạn bè anh em mỗi khi đến có chỗ uống trà, có thể phóng tầm mắt ra phía xa nơi sông Hồng lộng gió… Anh ấy khó tính, khó tính đến phát chán lên, nhưng đó là trong công việc thôi, còn với chúng tôi thì rất tình cảm...”, nhà văn Trần Thị Trường tâm sự.
Hội nhạc sĩ Việt Nam có hơn 2.000 nghệ sĩ nhưng có thể đếm trên đầu ngón tay những nhạc sĩ có diện mạo riêng. Chỉ cần nghe một hai câu đầu đã biết tác phẩm đó là của nhạc sĩ nào. Phó Đức Phương là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi như thế, chất dân ca được thấm đẫm trong con người của nhạc sĩ. Không chỉ đưa chất liệu dân gian đương đại hiện hiện qua từng nhạc phẩm, ngay từ những ngày đầu bước chân vào công việc sáng tác Phó Đức Phương còn nhanh chóng chọn được cho mình nguồn cảm hứng về quê hương dồi dào nhưng cũng rất nên thơ tinh tế.
Khán giả yêu thích các tác phẩm của Phó Đức Phương thuộc mọi thế hệ, lứa tuổi, mọi tầng lớp vì chúng không chỉ mang giai điệu đẹp, lời ca hay mà còn những ý nghĩa gắn liền với thời cuộc của đất nước, của cuộc sống người dân Việt Nam như Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò...
Âm nhạc của Phó Đức Phương dung dị mà hào sảng, gần gụi mà triết lý. Ông là một trong những nhạc sĩ lớn đã tạo nên dòng chảy âm nhạc dân gian đương đại tại VN, được nhiều thế hệ nhạc sĩ sau này tiếp nối. Ông còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim như Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố... và viết nhạc cho nhiều vở sân khấu như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nghêu sò ốc hến, Thầy khóa làng tôi, Rừng trúc...
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân. Ngoài các sáng tác nổi tiếng, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn từng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và là Phó chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội.