Djibouti – tuyến đường di cư 'chết chóc' đến bán đảo Arab

Mỗi tháng có khoảng 10.000 người Châu Phi di chuyển qua Djibouti tới Bán đảo Arab và con số này đang tăng lên.

Mỗi tháng có khoảng 10.000 người Châu Phi di chuyển qua Djibouti tới Bán đảo Arab và con số này đang tăng lên.

Tuyến đường mà người di cư cần vượt qua ở Djibouti để đến Yemen. Ảnh: Asia Times

Tuyến đường mà người di cư cần vượt qua ở Djibouti để đến Yemen. Ảnh: Asia Times

Trên con đường từ thành phố Djibouti đến thị trấn cảng Tadjoura, có hai hòn đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt nước. “Hòn đảo lớn là Devil và hòn nhỏ là vợ của nó”, Ali Daoud, một thợ sửa chữa kiêm hướng dẫn viên du lịch địa phương cho biết khi lái chiếc xe jeep băng qua một nhóm người đang đi bộ trên đường.

Họ không mang theo gì nhiều ngoài chai nước nhựa và một hy vọng. Trông họ có vẻ sắp kiệt sức, nhưng Ali vẫn kiên quyết: “Chúng tôi không thể dừng lại. Chính phủ đã nói rằng bất cứ ai đi cùng những người này sẽ bị bắt vì tội buôn người”. Cứ vài ki-lô-mét dọc theo con đường lại thấy vài người gầy gò đang lê bước. Họ là một trong số khoảng 160.000 người – hầu hết là người Ethiopia– đang vượt tuyết đường dài 1.200km đầy nguy hiểm từ các tỉnh nghèo ở nước họ để đến Cộng hòa Djibouti.

Từ đó, nếu họ có tiền để trả cho những kẻ buôn người, họ được đưa qua eo biển Bab Al Mandeb, hoặc qua Vịnh Aden, vào đất nước Yemen đang bị chiến tranh tàn phá. Ở đó, những kẻ buôn người có thể bắt cóc, hãm hiếp và tống tiền họ nhiều hơn. Sau đó, họ đi về phía bắc đến biên giới Saudi Arabia. Sau khi băng qua các bãi mìn và những vùng đất chết chóc, họ có thể vào vương quốc, nơi những kẻ buôn người cũng có thể tiếp tục bóc lột họ. Ở đây, họ bị cảnh sát Saudi Arabia săn lùng để trục xuất. Tuy nhiên, nếu gặp may, họ sẽ tìm thấy mục tiêu của mình: một công việc được trả lương thấp.

“Khoảng 10.000 người di chuyển qua Djibouti theo cách này mỗi tháng để đến Arab, và số liệu đang tiếp tục tăng lên”, Olivia Akumu, Điều phối viên khu vực Đông Phi của Trung tâm di cư hỗn hợp ở Nairobi, cho biết. “Chúng tôi thường nghe về những người di cư qua Địa Trung Hải, nhưng sự thật là, một số lượng lớn người di cư cố gắng vào Saudi Arabia và Vùng Vịnh thông qua tuyến đường này”, Akumu cho biết thêm. Tuy nhiên, đây là một cuộc phiêu lưu xuyên qua các vòng địa ngục.

Hành trình tuyệt vọng

Hầu hết những người di cư thực hiện hành trình đầy nguy hiểm này đến từ Ethiopia, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, mặc dù gần đây nước này đã kết thúc cuộc xung đột kéo dài. Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người hàng năm năm 2018 của Ethiopia chỉ 772,31 USD, tương đương khoảng 2 USD/ngày. Yvonne Ndege, người phát ngôn của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, gần như tất cả những người di cư khỏi Ethiopia gần đây đều vì lý do kinh tế.

Điều này chắc chắn đúng với Amir, người đã đi bộ đến thành phố Djibouti từ một ngôi làng cách thủ đô Addis Ababa 100km về phía nam. Theo IOM, khoảng 76% trong số tất cả những người hướng đến Djibouti đi theo cách này. “Không có việc làm, hoặc nếu tìm được việc, số tiền cũng chỉ đủ để chi trả cho thực phẩm và nhà ở”, Amir cho biết. Amir đã cùng với những người khác hướng đến các nước vùng Sừng Châu Phi nhỏ bé, nằm ở vị trí chiến lược ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, chẳng hạn như Djibouti. Sở hữu nhiều cảng khác nhau, những nước này nằm cách bờ biển Arab khoảng cách tương đối ngắn. Tuy nhiên, sống trong một cộng đồng nông thôn biệt lập, Amir không biết gì về những hiểm họa đang chờ đợi anh ở Djibouti. Hành trình đó bao gồm lênh đênh trên một con thuyền buôn người đến Yemen - một đất nước mà anh không hề biết rằng đang trong cuộc nội chiến. “Tất cả những gì tôi biết là tôi có thể kiếm tiền tốt hơn ở Saudi Arabia. Tôi có thể gửi tiền về nhà và cũng có thể tiết kiệm được một ít”, Amir nói.

Vượt biển đến Yemen là một chuyến đi may rủi. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận những trường hợp người di cư bị những kẻ buôn người ném xuống biển khi những chiếc thuyền chở quá đông người. Thậm chí, những điều tồi tệ hơn đang chờ đợi họ sau khi họ cập bến. “Các băng đảng tội phạm hoạt động ở đó bắt cóc người di cư để đòi tiền chuộc”, Akumu cho biết. Người di cư bị buộc phải gọi điện thoại cho người thân ở quê nhà và yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của bọn buôn người có mạng lưới khắp vùng Sừng Châu Phi.

Người di cư cũng bị tra tấn và ngược đãi. Nếu họ được giải thoát, sau đó họ phải đi nhiều ki-lô-mét về phía bắc qua một khu vực chiến tranh để đến biên giới Saudi Arabia. “Họ phải vượt qua chiến trường và bị bắn bởi lính biên phòng Saudi Arabia khi họ cố gắng vượt qua biên giới - một khu vực giết chóc. Các mạng lưới buôn người cũng mở rộng sang Saudi Arabia do đó họ cũng có thể phải tốn thêm tiền cho chúng sau khi đến Riyadh hoặc Jeddah.

Saudi Arabia đang thực hiện chính sách cưỡng chế hồi hương những người nhập cư không có giấy tờ trong thời gian gần đây. Báo cáo của IOM cho biết có 340.000 người Ethiopia bị trục xuất theo cách này kể từ năm 2017. Một số người không quay trở lại nhà của họ sau khi bị trục xuất về Addis Ababa. Người thân của họ đã bán nhà và tài sản làm tiền chuộc cho những kẻ buôn người, vì vậy họ cảm thấy xấu hổ vì đã không giúp đỡ gia đình mà thay vào đó làm cho tình hình của họ tồi tệ hơn.

Thất bại không phải là một lựa chọn

Ở Djibouti, dù những người di cư từ Ethiopia có thể được nhìn thấy bên đường mỗi ngày, chính phủ không làm gì nhiều để can thiệp vào công việc của những kẻ buôn người. Điều này là bất chấp thực tế rằng Djibouti đã ký nhiều thỏa thuận buôn người và tị nạn quốc tế.

Ndege cho biết, đã có các cuộc điều tra và truy tố, nhiều trường hợp đã được xử lý, nhưng không có mức án nào được đưa ra. “Nhà chức trách Djibouti có nguồn lực khan hiếm. Bạn có động lực gì khi bạn chỉ là một quốc gia quá cảnh? Rất ít người di cư ở lại Djibouti, Saudi Arabia và vùng Vịnh mới là mục tiêu của họ. Họ không làm hại người khác hoặc gây rối, và họ giúp đỡ nền kinh tế, trả tiền cho người dân địa phương”, Ndege.

Mặc dù trải qua những trải nghiệm rùng rợn, nhiều người bị trục xuất trở lại Ethiopia sau đó vẫn tiếp tục lên đường một lần nữa. Đối với Amir, thất bại không phải là một lựa chọn. “Tôi sẽ cố gắng và nếu tôi không may mắn, tôi sẽ tiếp tục cố gắng”, Amir nói. "Tại sao không? Tôi muốn làm việc, tôi muốn nuôi gia đình tôi. Tại sao tôi lại không thử?”, Amir cho biết.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_219671_djibouti-tuyen-duong-di-cu-chet-choc-den-ban-dao-arab.aspx