Djokovic và các tay vợt hàng đầu thế giới ra 'Tối hậu thư Grand Slam'
Ngôi sao Novak Djokovic cùng 19 tay vợt hàng đầu đã ký tên vào 'Tối hậu thư Grand Slam', yêu cầu tăng tiền thưởng và có tiếng nói lớn hơn tại các giải Grand Slam.

Djokovic cùng các tay vợt gây sức ép lên các giải Grand Slam. Ảnh: ATP
Theo ESPN, “Tối hậu thư Grand Slam” gửi đi ngày 21-3, yêu cầu một cuộc gặp trực tiếp tại giải Madrid Open (khởi tranh vào tháng 3) giữa đại diện của các tay vợt và bốn lãnh đạo các giải Grand Slam: Craig Tiley (Úc Mở rộng), Stephane Morel (Pháp Mở rộng), Sally Bolton (Wimbledon) và Lew Sherr (Mỹ Mở rộng).
Cuối bức thư là chữ ký của Djokovic và toàn bộ “tốp 10” nam, cùng 11 tay vợt nữ đứng đầu bảng xếp hạng tuần ngày 3-3, chỉ thiếu mỗi tay vợt hạng 10 thế giới Elena Rybakina.
Danh sách các tay vợt nữ gồm có số 1 thế giới Sabalenka, Gauff, Iga Swiatek, Jessica Pegula, Madison Keys, Jasmine Paolini, Emma Navarro, Zheng Qinwen, Paula Badosa và Mirra Andreeva. Tốp 10 tay vợt nam gồm Sinner (hạng 1, hiện đang bị cấm thi đấu ba tháng vì doping), Djokovic - 24 lần vô địch Grand Slam, Alexander Zverev, Carlos Alcaraz, Taylor Fritz, Casper Ruud, Daniil Medvedev, Andrey Rublev, Stefanos Tsitsipas và Alex de Minaur.
Trong số 20 tay vợt ký tên, có 15 VĐV đã từng giành ít nhất một danh hiệu hoặc vào tới chung kết tại một giải Grand Slam.

Yêu cầu của “Tối hậu thư Grand Slam” viết gì?
Các tay vợt nêu ba vấn đề họ muốn tập trung giải quyết trong “Tối hậu thư Grand Slam”: Các giải Grand Slam nên đóng góp tài chính cho các chương trình phúc lợi dành cho VĐV do hai hiệp hội chuyên nghiệp tổ chức.
Tiền thưởng cần được tăng lên “tỉ lệ phù hợp hơn với doanh thu giải đấu, phản ánh đúng giá trị mà các tay vợt mang lại”. Cùng với đó, các VĐV phải có tiếng nói lớn hơn trong những quyết định “ảnh hưởng trực tiếp đến cạnh tranh cũng như sức khỏe và phúc lợi của VĐV”.
Trước đó, thông tin về “Tối hậu thư Grand Slam” lần đầu tiên được đề cập bởi tờ thể thao Pháp L’Équipe. Tức khoảng hai tuần sau khi hiệp hội VĐV do Djokovic đồng sáng lập đệ đơn kiện chống độc quyền hai tổ chức quần vợt nam và nữ chuyên nghiệp ATP và WTA; Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) và cơ quan chống gian lận thể thao tại tòa án liên bang New York. Tuy nhiên, Djokovic không đứng tên nguyên đơn vì anh muốn các tay vợt khác đứng lên thay mình.
Theo đơn kiện trên, các tay vợt yêu cầu tăng mức chia sẻ doanh thu, bởi hiện tại có quá ít phần trong số tiền thưởng được chuyển đến tay họ, đồng thời nêu ra hàng loạt vấn đề khác về cách thức điều hành môn quần vợt.
Đơn kiện cũng trích dẫn một báo cáo cho biết, “Giải Mỹ mở rộng thu được nhiều tiền hơn từ việc bán một loại cocktail đặc biệt (12,8 triệu USD) so với tổng tiền thưởng dành cho hai nhà vô địch nam và nữ cộng lại”.

Coco Gauff từng vô địch Grand Slam Mỹ Mở rộng. Ảnh: GETTY
Mỹ mở rộng chi nhiều nhất trong bốn giải Grand Slam
Về số tiền thưởng và chi phí hỗ trợ tay vợt, Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA) đã cung cấp khoản tổng thù lao kỷ lục 75 triệu USD cho giải Grand Slam năm 2024. Tức tăng khoảng 15%, so với 65 triệu USD của năm 2023.
Dựa theo tỷ giá hối đoái thời điểm giải diễn ra, Wimbledon năm 2024 có tổng giải thưởng khoảng 64 triệu USD, còn Pháp Mở rộng và Úc Mở rộng đều ở mức khoảng 58 triệu USD.
Trong một văn bản, người phát ngôn của USTA - ông Brendan McIntyre chia sẻ: “USTA luôn sẵn sàng và hoan nghênh các cuộc trao đổi trực tiếp và cởi mở với các tay vợt, dù tại Mỹ mở rộng hay bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bởi chúng tôi luôn tìm cách cải thiện giải đấu, nhằm mang lại lợi ích cho VĐV lẫn người hâm mộ
Suốt lịch sử, USTA vô cùng tự hào về vai trò tiên phong của giải Mỹ mở rộng trong việc trả thù lao cho VĐV, cũng như nỗ lực phát triển quần vợt chuyên nghiệp, không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Điều này bao gồm việc trao giải thưởng ngang bằng cho nam và nữ suốt hơn 50 năm qua, cùng việc thiết lập quỹ tiền thưởng lớn nhất lịch sử quần vợt tại giải Mỹ mở rộng 2024”.
Tại giải Grand Slam tiếp theo tại Paris, các tay vợt sẽ tranh tài vòng đấu chính giải Pháp Mở rộng vào ngày 25-5 tới.