DN Việt Nam, Đan Mạch cùng tạo nên những thương hiệu quốc tế chung

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Đan Mạch, chiều 25/11 (giờ địa phương), tại Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch ở thủ đô Copenhagen.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các DN Đan Mạch có rất nhiều thuận lợi khi luôn tiên phong trong những lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng lớn như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các DN Đan Mạch có rất nhiều thuận lợi khi luôn tiên phong trong những lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng lớn như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng nhắc lại mối quan hệ hữu nghị, tình cảm tốt đẹp của Hoàng gia, Chính phủ, người dân Đan Mạch dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Đan Mạch dành cho Việt Nam nguồn viện trợ phát triển quan trọng, cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện về biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng… và mở rộng sang khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo, mới đây nhất là Đối tác chiến lược Xanh.

Với những nét tương đồng về phẩm chất mạnh mẽ, khát vọng, cần cù của người dân, lợi thế của một quốc gia biển cùng thách thức từ biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam và Đan Mạch đã xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, thực chất trên những lĩnh vực quan trọng, mang tính toàn cầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp…

Sự hiện diện của các DN Đan Mạch tại Việt Nam cũng tương xứng với mối quan hệ giữa hai nước. Hiện các DN Đan Mạch đã và đang đầu tư vào 169 dự án tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký xấp xỉ 2 tỷ USD, đứng thứ 22/148 quốc gia, vùng lãnh thổ, và thời gian tới sẽ tiếp tục có bứt phá ở những lĩnh vực lợi thế.

Theo Phó Thủ tướng, mô hình phát triển của Đan Mạch đã đi trước thời đại khi thay thế nguồn lực tài nguyên tự nhiên bằng kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ,... Vì vậy, các DN Đan Mạch có rất nhiều thuận lợi khi luôn tiên phong trong những lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng lớn như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo…

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các DN Đan Mạch, với thị trường có dân số khoảng 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh; nền kinh tế hội nhập sâu rộng, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn; cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050; có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), là đối tác trong Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận, nắm bắt nhanh chóng những lĩnh vực, công nghệ mới, ý tưởng mới.

Các đại biểu trao đổi tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Các đại biểu trao đổi tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các tập đoàn Vesta (lắp đặt tua-bin điện gió), Blue Water Shipping A/S (cung cấp dịch vụ logistic chất lượng cao), Lego (sản xuất học cụ và đồ chơi mang tính giáo dục), Pandora (sản xuất trang sức), Orana (chế biến thực phẩm và đồ uống), A.P. Moller Holding (vận tải biển và logistic), Carlsberg (đồ uống)… đã thông tin với Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về tình hình hoạt động tại Việt Nam; những lĩnh vực, vấn đề quan tâm về phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, mua bán điện trực tiếp, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh;…

Bên cạnh đó, lãnh đạo các tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam bày tỏ mong muốn được hợp tác với các DN Đan Mạch để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi; hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng quy hoạch tổng thể, tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, khảo sát, vận hành và bảo trì các tua-bin điện gió ngoài khơi; nâng cao hiệu suất, tính linh hoạt của các nhà máy nhiệt điện than; tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; phát triển cảng biển nước sâu, hoạt động vận tải biển gần bờ, chuỗi dịch vụ logistic với hệ thống cảng container nội địa, sử dụng phương tiện năng lượng xanh…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các DN Đan Mạch, Việt Nam tại buổi làm việc chiều 25/11 (giờ địa phương) - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các DN Đan Mạch, Việt Nam tại buổi làm việc chiều 25/11 (giờ địa phương) - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Trao đổi về kiến nghị cụ thể của các DN, Phó Thủ tướng mong muốn các DN Đan Mạch đầu tư mạnh mẽ hơn vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhất là điện gió ngoài khơi, gắn với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; phương thức quản trị, vận hành; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; huy động tài chính xanh;...

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Điện 8 để tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trên cơ sở phát triển các nguồn điện nền, áp dụng công nghệ quản lý, điều tiết lưới điện thông minh, hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng tin tưởng các DN Đan Mạch sẽ tìm thấy ngày càng nhiều những cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để "cùng hợp tác, cùng tin tưởng, có định hướng đúng đắn, để đạt được những thành tựu mới", với tinh thần "mỗi DN Đan Mạch khi đầu tư tại Việt Nam cũng chính là DN của Việt Nam". Đồng thời, tham vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách tạo không gian phát triển, đổi mới sáng tạo cho DN hai nước trong những lĩnh vực mới.

"Thông qua Việt Nam, các DN Đan Mạch có thể kết nối, mở rộng ra các thị trường khác ở Đông Nam Á, châu Á và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới", Phó Thủ tướng nói và mong muốn DN hai nước Việt Nam, Đan Mạch tiếp tục cùng nhau tạo nên những thương hiệu quốc tế chung.

Minh Khôi

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dn-viet-nam-dan-mach-cung-tao-nen-nhung-thuong-hieu-quoc-te-chung-102241126020405737.htm