Đồ án Bảo tàng của cô gái dân biển đoạt giải nhất kiến trúc quốc tế

Đồ án của sinh viên Trần Thị Chi vừa xuất sắc đoạt giải quán quân cuộc thi International Graduation Project Award 2023.

Đây là giải thưởng quốc tế lớn nhất thế giới dành cho các đồ án tốt nghiệp kiến trúc. Hàng năm, giải thưởng mời sinh viên kiến trúc, thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị, công nghệ kiến trúc, thiết kế cảnh quan trên toàn thế giới nộp đồ án tốt nghiệp của họ nhằm mục đích công nhận sự xuất sắc trong thiết kế và giáo dục kiến trúc trên toàn cầu.

 Đồ án của sinh viên Trần Thị Chi.

Đồ án của sinh viên Trần Thị Chi.

Theo Ban Tổ chức, người đoạt giải nhất của giải thưởng năm 2023 là Trần Thị Chi đến từ Đại học Văn Lang, Việt Nam, người đoạt giải nhì là Joelle Dib đến từ Đại học Damascus ở Syria và người đoạt giải ba là Majd Odeh đến từ Đại học Quốc gia An-Najah, Palestine.

Những người chiến thắng đã vượt qua 422 đồ án dự thi, đại diện cho 141 trường đại học và 36 quốc gia. Việc lựa chọn các bài dự thi hàng đầu được thực hiện dựa trên tiêu chí đánh giá của giải thưởng, nêu bật các dự án mang tính thay đổi và đầy khát vọng nhằm giải quyết các thách thức thông qua sự hiểu biết toàn diện về bối cảnh.

Đánh giá về bài dự thi của Trần Thị Chi, ban giám khảo khẳng định: “Đây là một dự án đầy cảm hứng, tôn trọng đối với tác động của dự án với người dân địa phương nên sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống bình dị của cư dân ven biển, không dẫn đến một công trình hình dáng xa lạ và làm xáo trộn vẻ đẹp cảnh quan. Dự án được thực hiện dựa trên sự gắn bó bền chặt của cộng đồng địa phương ven biển tại Phan Thiết, Việt Nam…”

 Sinh viên Trần Thị Chi.

Sinh viên Trần Thị Chi.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển Bình Thuận, Việt Nam. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những trò chơi truyền thống và những hình ảnh quen thuộc của vùng đất này: thuyền bè, cồn cát, lưới đánh cá, cảng cá và các lễ hội văn hóa, tôn giáo.

90% sinh kế của người dân ở đây đều đến từ biển. Trong tiềm thức, họ coi biển là nguồn sống và của cải của mình nhưng đa số người lao động ven biển chưa ý thức được những giá trị văn hóa mà mình sở hữu.

Đô thị hóa và phát triển công nghiệp xâm lấn và khiến di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một. Bảo tồn và truyền lại di sản văn hóa cho các thế hệ tương lai, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, giúp củng cố, bảo tồn và thậm chí cho phép di sản đó thích ứng với xã hội mới. Tại sao một đất nước có lịch sử văn hóa biển lâu đời lại không có Bảo tàng Văn hóa Biển?”, Trần Thị Chi phân tích bối cảnh mở đầu cho đồ án của mình.

 Đồ án của sinh viên Trần Thị Chi được đánh giá rất cao.

Đồ án của sinh viên Trần Thị Chi được đánh giá rất cao.

Liệu sự xuất hiện của một công trình kiến trúc có làm mất đi vẻ đẹp vốn có của cảnh quan này? Dọc các bờ biển, người ta thường chứng kiến vẻ đẹp của lao động qua hình ảnh nhộn nhịp của những chiếc thuyền đánh cá ra vào từ các cảng sầm uất và những thương lái buôn bán. Về sau, các khu nghỉ dưỡng mọc lên, lấn chiếm các bãi biển công cộng của người dân địa phương, di dời các làng chài. Liệu bảo tàng có lặp lại sai lầm khi lấn chiếm vùng đất danh lam thắng cảnh này không? Đồ án đề xuất giải pháp nâng cao toàn bộ khối bảo tàng, không gian triển lãm và khán phòng để giải phóng mặt bằng. Ý tưởng hạ thấp cote sàn của các chức năng phụ trợ nhằm khôi phục hoàn toàn cảnh quan ven biển…Đồ án của cô sinh viên miền biển đặt vấn đề giải quyết thách thức.

Có lẽ độc đáo nhất trong đồ án “Bảo tàng văn hóa biển miền Trung, Bình Thuận” của Trần Thị Chi là không gian trải nghiệm và biểu diễn.

Làm thế nào để trưng bày các lễ hội truyền thống, truyện dân gian, truyền tải kiến thức truyền miệng, tín ngưỡng, giáo dục, ngôn ngữ, âm nhạc và nghệ thuật, là thách thức lớn nhất của dự án.

 Trần Thị Chi và mô hình đồ án.

Trần Thị Chi và mô hình đồ án.

Lấy cảm hứng từ hình dáng lưới đánh cá, dự án sử dụng mái yên ngựa được thiết kế sáng tạo tượng trưng cho hình ảnh phơi lưới đánh cá, bao trùm các hoạt động trải nghiệm bên dưới.

Độc đáo nhất là không gian khán phòng biểu diễn được thiết kế bằng phương pháp đóng thuyền gỗ của ngư dân. Người dân vùng ven biển làm khung đỡ thuyền bằng cách xếp các thanh gỗ chồng lên nhau để tạo hình không gian bên trong thuyền và trong dự án này, một khán phòng 200 chỗ ngồi được thiết kế treo lơ lửng trên khung gỗ trong không gian...

Được biết, sau chiến thắng tại cuộc thi lần này, cô sinh viên vùng ven biển thị xã La Gi, Bình Thuận nhận được suất học bổng Thạc sĩ 2 năm tại trường ĐH Polytechnic Milan, Ý.

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-an-bao-tang-cua-co-gai-dan-bien-doat-giai-nhat-kien-truc-quoc-te-post767563.html