Đồ án tốt nghiệp 'đặc biệt' của nữ sinh viên Kiến trúc

Trần Thị Thanh Phương (trường ĐH Kiến trúc TP. HCM) đã sáng tạo ra bộ Boardgame lấy cảm hứng từ áo dài Việt Nam với những quân cờ đậm màu sắc trang phục truyền thống qua từng thời kỳ. Sản phẩm đang thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ.

Được biết, sản phẩm chính là đồ án tốt nghiệp cuối khóa của Thanh Phương. Bộ Boardgame có những quân cờ được thiết kế nhằm nhấn mạnh đặc điểm của từng trang phục mang tính biểu tượng của Việt Nam theo dòng chảy từ xưa đến nay, bao gồm: áo Tứ thân, áo Ngũ thân, áo dài Le Mur, áo dài Raglan, áo dài Cổ thuyền. Lý giải về nguyên nhân chọn thiết kế bộ Boardgame lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của dân tộc, Thanh Phương cho biết: “Trước đây, mình vốn chỉ có niềm yêu thích bình thường với áo dài nhưng càng nghiên cứu sâu, mình càng thấy lịch sử về trang phục truyền thống của người phụ nữ vô cùng hấp dẫn. Về ý tưởng cho đồ án tốt nghiệp, mình ấp ủ việc thiết kế sản phẩm liên quan đến Boardgame đã lâu, hơn nữa mình không muốn nhàm chán nên dự định sẽ đưa yếu tố văn hóa vào để sản phẩm mang tính thuần Việt hơn, vì thế mình chọn áo dài”.

Những quân cờ được thiết kế nhằm nhấn mạnh đặc điểm của từng trang phục mang tính biểu tượng của Việt Nam.

Để tạo ra sản phẩm vừa mang tính thẩm mĩ, vừa mang tính chuẩn xác, Thanh Phương đã dành nhiều thời gian khảo sát cộng đồng người tiêu dùng cũng như nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử ra đời và sự phát triển của áo dài. Phương chia sẻ: “Mình đã đi tham quan bảo tàng Áo dài cũng như tìm đọc một vài loại sách nói về lịch sử của áo dài để có được nguồn tư liệu giá trị và chính xác nhất. Hiện nay, các thông tin trên mạng về trang phục truyền thống của dân tộc còn khá khan hiếm, hơn nữa nhiều chỗ, kiến thức còn gây tranh cãi nên muốn nghiên cứu về đề tài này cần phải khảo sát thực tế, cũng như tìm đọc những cuốn sách đáng tin cậy”.

Phương cho biết thêm, công đoạn hoàn thành sản phẩm mất bốn tháng. Trong đó, vật liệu quan trọng nhất dùng để thiết kế là gỗ ash và công nghệ in 3D, đồng thời sử dụng màu sắc hoài cổ, tông nóng là chính. Luật chơi được đặt ra dễ hiểu và sẽ phù hợp với nhiều đối tượng. Về mục đích của trò chơi, Phương chia sẻ: “Mình muốn tạo ra bộ Boardgame mà khi trải nghiệm người chơi sẽ nhớ được áo dài này là có từ năm nào, nó trông ra sao và nó xuất hiện trong bối cảnh nào. Đó là lý do mình nhấn mạnh các chi tiết trên các quân cờ bằng cách ghi mốc thời gian trên đó và tạo ra các tiểu cảnh liên quan tới bối cảnh ra đời hay tái hiện khung cảnh những năm đó ra sao”. Theo Phương, điều này sẽ giúp người chơi không chỉ giải trí mà còn có thêm kiến thức về trang phục truyền thống của Việt Nam nói chung và áo dài nói riêng.

Sản phẩm Boardgame thú vị của Phương.

Chính nhờ tính độc đáo và mới lạ của sản phẩm mà đồ án tốt nghiệp của Phương đã có cơ hội được “điểm mặt gọi tên” trong Tuần lễ Văn hóa Dân tộc Việt Nam do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. HCM tổ chức.

Tình cờ biết đến và hứng thú với sản phẩm, Bùi Thị Minh Thùy (trường ĐH Kinh tế TP. HCM) thổ lộ: “Việc mang yếu tố văn hóa vào bộ Boardgame khiến cho nét đẹp truyền thống tuy cũ nhưng không lạc thời, giúp nâng cao giá trị áo dài và khiến áo dài gần hơn với những sinh hoạt thường ngày. Mình tin sản phẩm sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng trẻ ở Việt Nam cũng như có thể quảng bá cho hình ảnh dân tộc”.

Hiếu Kha

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/do-an-tot-nghiep-dac-biet-cua-nu-sinh-vien-kien-truc-post1339853.tpo