Đồ ăn vặt trước cổng trường: Ẩn họa khôn lường

Chỉ từ 2.000 đến 15.000 đồng, học sinh tại TP. Pleiku có thể mua được vô số món ăn vặt bày bán trước cổng trường. Thế nhưng, các mặt hàng này đa phần không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa.

Hiểm họa rình rập

Vừa tan lớp, vài tốp học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Hội Thương) liền rủ nhau đến hàng quán, xe đẩy bên cạnh cổng trường mua đồ ăn vặt. Những bịch bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, xúc xích, cá viên chiên, bắp xào, bánh kẹo, nước ngọt, trà sữa… với giá bán khá rẻ được nhiều em lựa chọn. Sau khi nhận ly trà sữa từ người bán, em Ngô Gia Hân (lớp 7) còn mua thêm vài bì kẹo bông dẻo bỏ túi ăn dần. Điều đáng nói, trên bao bì gói kẹo có ghi 3 ngôn ngữ: Anh, Thái Lan, Trung Quốc (đã phiên âm) như kẹo “ngoại” và không hề có thông tin về nhà nhập khẩu nhưng giá bán mỗi gói chỉ 2.000 đồng. “Trong thời gian chờ ba mẹ tới đón, em thường ra đây ăn vặt bởi có rất nhiều món ngon và rẻ. Chúng em cũng không để ý lắm đến thành phần hay hạn sử dụng. Những bạn không thích chỗ này thì tới mua ở bên kia”-Hân vừa nói vừa chỉ tay về phía các xe đẩy bán hàng rong gần đó.

Tại nhiều trường học khác trên địa bàn TP. Pleiku, P.V cũng ghi nhận hình ảnh tương tự. Trong khi đó, hầu hết các loại thức ăn được chế biến tại chỗ đều không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa kể bụi bẩn, nắng mưa và người chế biến cũng không đeo găng tay hay bất kỳ dụng cụ vệ sinh nào. Cầm chiếc bánh bao chiên ăn ngon lành, em Nguyễn Bá Phú (lớp 6/10, Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư) cho hay: “Học cả buổi cảm thấy hơi đói bụng nên em mua ăn tạm. Biết là quầy hàng nằm cạnh đường khá bụi bặm, bánh cũng được chiên lại bằng dầu cũ nhưng thỉnh thoảng em mới ăn một lần nên chắc không sao”.

Các hàng quán bán đồ ăn vặt luôn hấp dẫn học sinh mỗi khi tan trường. Ảnh: M.T

Các hàng quán bán đồ ăn vặt luôn hấp dẫn học sinh mỗi khi tan trường. Ảnh: M.T

Thực trạng này khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại và cố gắng quản lý con em mình “chặt” nhất có thể nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (tổ 3, phường Phù Đổng) chia sẻ, con trai chị đang học lớp 7 tại Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá). Thời gian gần đây, khu vực này xuất hiện khá nhiều hàng quán bán đồ ăn vặt cho học sinh với đủ loại đồ ăn, thức uống. Chị Thảo trăn trở: “Dịch Covid-19 còn chưa hết, thời tiết lại chuyển mùa, nắng mưa thất thường nên nguy cơ nhiễm khuẩn từ thức ăn đường phố là vô cùng cao. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con, ngoài dặn dò con tránh xa những món đó, tôi cũng kiên quyết không cho tiền tiêu vặt. Nhưng có lẽ chỉ là biện pháp tương đối, vì nhiều khi đi học cháu ăn cùng bạn bè thì mình cũng không thể quản lý xuể”.

Tương tự, anh Phan Xuân Hùng (tổ 6, phường Hội Phú) bày tỏ: “Đa số hàng rong đều là những sản phẩm chứa phẩm màu, hóa chất công nghiệp, không rõ xuất xứ, kém chất lượng, thậm chí là quá hạn sử dụng vẫn được bày bán. Thêm vào đó, việc bảo quản thực phẩm, quá trình chế biến cũng không đảm bảo vệ sinh nên khi ăn sẽ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, đường ruột... Tâm lý trẻ con là thích các món bắt mắt, nhiều màu sắc, kể cả đồ chơi hay ăn uống nên phụ huynh chúng tôi rất lo. Giờ chỉ biết nhắc nhở con thôi chứ việc mưu sinh của người ta thì đâu thể cấm cản họ buôn bán”.

Cần tăng cường kiểm tra

Cùng với động thái tích cực từ phía phụ huynh, các cơ sở giáo dục cũng tăng cường quản lý học sinh trước “cám dỗ” quà vặt bằng nhiều giải pháp. Với số lượng học sinh khá đông (1.185 em), lại nằm ở khu vực có nhiều trường học và gần Quảng trường Đại Đoàn Kết nên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Hội Thương) luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Cô Đồng Thị Thanh Hải-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền dưới cờ và trong giờ sinh hoạt lớp về tác hại của những thực phẩm đường phố, đưa ra dẫn chứng cụ thể và đặt các câu hỏi liên quan để học sinh trả lời nhằm nâng cao nhận thức cho các em. Đồng thời, giao cho giáo viên chủ nhiệm, đội cờ đỏ trực tiếp đi kiểm tra ở các lớp, kịp thời nhắc nhở những học sinh mua thức ăn vặt mang vào trường; yêu cầu các em không ra khỏi cổng trường trong giờ ra chơi; tuyên dương học sinh thực hiện tốt và phê bình những em còn vi phạm… Nhờ những giải pháp trên, tình trạng ăn quà vặt trước cổng trường của học sinh gần như không còn”.

Em Đỗ Minh Thư (lớp 3/3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) hào hứng nói: “Ba mẹ và thầy cô dặn tụi con phải ăn chín uống sôi để bảo vệ sức khỏe; không được mua đồ ăn, nước ngọt bày bán bên lề đường sẽ bị đau bụng và còn bị phê bình trước lớp. Con chỉ uống nước lọc ở trường và ăn bánh kẹo mà ba mẹ mua cho mang theo”.

Các em học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) sử dụng đồ ăn vặt được mua gần trường. Ảnh: M.T

Các em học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) sử dụng đồ ăn vặt được mua gần trường. Ảnh: M.T

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh-cho biết: Số lượng các điểm buôn bán thức ăn đường phố và hàng rong trên địa bàn tỉnh tương đối lớn và luôn là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm. Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì loại hình kinh doanh, buôn bán này thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã. Đa số những người buôn bán mặt hàng này đều nghèo khổ, nhận thức chưa cao, thậm chí một số người còn cố tình tìm cách đối phó, tránh né lực lượng chức năng nên công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng gặp không ít khó khăn.

Theo ông Đang, thời gian tới, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyến xã tăng cường tuyên truyền về những nguy cơ từ thức ăn đường phố, tuyệt đối không sử dụng những sản phẩm chưa được kiểm soát, cấp phép và không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tổ chức thanh-kiểm tra định kỳ 3 lần/năm vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm; đồng thời có kế hoạch tầm soát tất cả những hàng quán, xe đẩy bán rong để kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết xử lý vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhất là đối với học sinh. Song song với đó, nhà trường và phụ huynh cũng cần chung tay trong việc giáo dục, quản lý học sinh; chủ động phòng-chống ngộ độc thực phẩm, từng bước thay đổi hành vi về sử dụng thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12378/202005/do-an-vat-truoc-cong-truong-an-hoa-khon-luong-5684315/