Đỗ Bích Thúy và những trang văn đánh thức lòng nhân ái
Hơn 20 năm cầm bút, Thượng tá, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 21 cuốn sách, trong đó có 6 tiểu thuyết, các tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi... chủ yếu về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi. Những trang văn của Đỗ Bích Thúy luôn đánh thức phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người, đó là tính thiện và lòng nhân bản.
Những người đàn bà hy sinh, cam chịu
“Bóng của cây sồi”, “Sau những mùa trăng”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Những người đàn bà miền núi” là những tập truyện ngắn mở ra một không gian bao la của núi rừng và cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng người Mông, Tày, Dao ở vùng cao núi đá Hà Giang. Mỗi câu chuyện Đỗ Bích Thúy kể là một số phận, một cảnh đời ngang trái khác nhau. Trong bức tranh đó, chị tập trung khai thác chiều sâu nội tâm của nhân vật - phần lớn là những người đàn bà với cuộc đời làm dâu, làm vợ, làm mẹ âm thầm, chịu nhiều buồn tủi, đắng cay...
Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 ở Hà Giang, hiện đang làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị đã giành nhiều giải thưởng văn học như: Giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999; giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013; giải Nhất Văn học nghệ thuật thủ đô năm 2014; Giải Nhì Cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” năm 2019.
Một số truyện ngắn của chị cũng được chuyển thể thành phim như: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” chuyển thể thành phim điện ảnh “Chuyện của Pao” (đạo diễn Đỗ Quang Hải) - đạt giải Cánh diều Vàng năm 2005. Truyện ngắn “Lặng yên dưới vực sâu” chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên, phát sóng trên truyền hình năm 2017.
Trong truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” là nỗi buồn sâu thẳm của người mẹ già tên Mao trong suốt 20 năm đi làm dâu mà không có khả năng sinh nở. Khi ông Chúng (chồng) đưa về nhà một cô gái trẻ người Kinh (mẹ Hoa) làm vợ hai, nỗi buồn tủi, cô đơn trong những đêm dài mất ngủ khiến đôi mắt mẹ Mao thâm quầng. Từ một thiếu nữ đẹp người, đẹp nết, giỏi se lanh, thêu thùa ngày xưa, mẹ Mao ngày càng héo hon với “hai bàn tay khô như hai cành mua cong queo, đầy vết chai dầy như miếng cháy trong chảo cám”. Vì không sinh được con nên mẹ Mao luôn nghĩ mình chỉ là “cái cục đá kê chân cột nhà chồng”.
Cùng cảnh làm dâu như mẹ Mao, nhưng cuộc đời bà Kía trong truyện “Gió không ngừng thổi” là những chuỗi ngày lo âu, tủi nhục, mặc cảm tội lỗi giày vò. Bà Kía bị đứa em họ bên chồng hãm hiếp, sinh ra thằng con bất trị Thào Mí Chá. Khi như một chiếc lá vàng chuẩn bị lìa cành, bà Kía vẫn không hay biết bí mật cuộc đời mình mà ông Sùng (chồng bà) đã tỏ từ lâu. Không ai nói ra, nhưng những cơn giông gió luôn cuộn dâng, gào xé trong sâu thẳm tâm hồn...
Những thân phận đàn bà trong trang văn Đỗ Bích Thúy như mẹ Mao, bà Kía hay Mai (truyện “Cạnh bếp có cái muôi gỗ”), Vi (Giống như cái cối nước), Nhẻo (Như một con chim nhỏ), mẹ của Thơm (Những buổi chiều đi qua cuộc đời)..., mỗi người có một hoàn cảnh éo le khác nhau, song họ đều lựa chọn một cách sống âm thầm hy sinh, cam chịu số phận.
Căn nguyên sâu xa xô đẩy cuộc đời những người phụ nữ bất hạnh đó đến những bi kịch nghiệt ngã chính là những định kiến, những phong tục, tập quán lạc hậu của xã hội phong kiến còn rơi rớt lại trong xã hội Mông, Tày, Dao hôm nay. Đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ: “Phải có được đứa con trai để giữ đất, thờ cúng tổ tiên”; là sự phân biệt giai cấp: “Đứa con trai nào nhà nghèo không đủ bạc trắng mang vợ về là phải ở rể. Thằng đàn ông gửi rể khổ hơn đứa đàn bà đi làm dâu nhiều. Trong nhà không dám nói to, ra đường không dám ngẩng mặt nhìn hàng xóm”; là sự “định giá” người phụ nữ bằng những đồng bạc trắng... Chính vì lối suy nghĩ đầy định kiến đó đã gây ra áp lực nặng nề đối với tất cả những người đàn bà khi đi làm dâu. Nhân vật Mai trong truyện “Cạnh bếp có cái muôi gỗ”, chỉ vì không đẻ cho nhà chồng được một thằng con trai mà phải cam phận một mình nuôi 3 đứa con gái để chồng đi lấy người khác.
Còn nhân vật Nhẻo (truyện “Như một con chim nhỏ”) thì phải nếm trải bao nỗi đắng cay, tủi cực khi vừa đi làm dâu được nửa năm thì chồng chết. Nhẻo bị thầy mo buộc tội là “con ma sống, tốt người nhưng hại chồng”, bị bố mẹ chồng và dân bản nghi ngờ có tình cảm riêng với em chồng. Nỗi oan ức, buồn tủi không biết chia sẻ cùng ai khiến Nhẻo quẫn bách phải tìm đến cây lá ngón để tự giải thoát số phận...
Tỏa sáng phẩm giá đức hạnh
Trong những hoàn cảnh éo le nhất của cuộc đời, nhân vật trong trang văn Đỗ Bích Thúy đều không có hành vi sống quẫy đạp, bứt phá, không ganh tị, cay nghiệt với mọi người mà chỉ âm thầm chịu đựng một mình. Họ luôn nhận về mình sự thua thiệt để người khác được vui, được hạnh phúc. Đó chính là đức hạnh, là phẩm giá đáng quý của người phụ nữ vùng cao.
Mẹ Mao dù không sinh nở được, nhưng suốt đời đã dồn hết tình cảm nuôi dạy, chăm sóc 2 đứa con chồng như chính con ruột của mình. “Từ sáng đến khuya, lúc nào May cũng nằm trên lưng mẹ già. Không biết đã bao lần, May ngậm hai bầu ngực của mẹ già mà nhay cho đến bật máu vì thèm sữa”. Bà Mao dạy cho các con cách ứng xử ở đời, những nghi lễ, phép tắc mà người phụ nữ Mông luôn phải ghi xương, khắc cốt: “Ầy, chuyện cũ đừng nhắc nữa. Cái gì cần nhớ hãy nhớ, cái gì nên quên phải biết quên. Hôm qua trời mưa nước suối đục, nhưng không đục mãi được. Con người cũng thế...”.
Còn ông Chúng, chồng bà Mao dù “vượt rào” lấy thêm vợ hai nhưng cũng luôn cảm thấy day dứt, có lỗi với người vợ cả. Biết bà Mao vẫn nặng tình với tiếng đàn môi của người xưa, ông đã giục vợ mang rượu ngô đi bán ở chợ hai bảy tháng Giêng (thực ra chỉ là cái cớ để tạo cơ hội cho vợ gặp lại người yêu cũ). Hành động đó thật cao thượng biết nhường nào!
Lòng cao thượng của người đàn ông Mông còn thể hiện ở cách ứng xử rất tế nhị khi gặp những nghịch cảnh ngang trái. Ông Thào Mí Sùng (truyện “Gió không ngừng thổi”) dù biết thằng Chá không phải con ruột nhưng vẫn thương yêu, chăm sóc nó như giọt máu của mình. Ông đã cất giấu thật sâu bí mật đó trong lòng vì sợ bà vợ và thằng Chá chạnh lòng, tủi phận, mặc dù tâm can ông luôn bị giằng xé.
Tình yêu là thứ không thể san sẻ cho người thứ ba, sự chiếm đoạt trong tình yêu lại càng khó có thể tha thứ. Vậy mà ông Sùng đã vượt lên trên lòng ích kỷ, sự ghen tuông hẹp hòi, lòng tự trọng bị tổn thương để sống trọn tình, trọn nghĩa với vợ suốt cuộc đời. Lòng bao dung, độ lượng đó cao hơn cả đỉnh Tây Côn Lĩnh!
Qua những trang văn nhẹ nhàng mà sâu lắng, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã gieo vào lòng người đọc thật nhiều xúc cảm và cả những ý niệm về cái đẹp trong hồn người, tình người, tình quê hương sâu nặng...