Đổ cả thau nước mắm lên đầu mẹ để câu view

Vì lợi nhuận lớn, nhiều người lao vào sản xuất các video phát trên YouTube, bất chấp những nội dung nhảm nhí gây hại đến cộng đồng.

Kiếm tiền từ YouTube đối với các bạn trẻ Việt Nam không còn quá lạ lẫm. Vì khoản lợi nhuận do YouTube mang lại, nhiều YouTuber (người sáng tạo nội dung video và chia sẻ chúng trên YouTube) đã không cân nhắc đến những nội dung gây hại cho cộng đồng.

Đủ trò câu view, đủ đường gây hại

Mới đây, kênh YouTube tên Ông Mập Vlog đã đăng tải đoạn video ghi lại vụ việc một thanh niên đổ cả thau nước mắm lên người mẹ chỉ để ăn mừng kênh video đạt 1.000 lượt theo dõi. Ngay khi đoạn video được đăng tải đã thu hút 12.000 lượt xem. Tuy nhiên, chủ kênh Ông Mập Vlog cũng nhận được không ít búa rìu từ cộng đồng mạng cho rằng hành vi của nam thanh niên là lố bịch, phản cảm.

Trước đó, một YouTuber có tên Tiến Lắp cũng đã nhận rất nhiều lời chửi rủa của dân mạng khi làm clip đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ để ăn mừng kênh YouTube đạt 20.000 lượt đăng ký.

Trước đó nữa, các video về thử thách đổ trứng lần đầu được kênh PHDT đăng tải với tiêu đề “Đổ 400 quả trứng lên đầu người lạ” thu hút 10 triệu view.

Không chỉ thế, các YouTuber đua nhau làm video về các thử thách vô bổ và gây hại như thử thách 24 giờ làm chó, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học, trêu phụ nữ nơi công cộng... cho đến các video chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm xuất hiện nhan nhản trên YouTube với lượng xem lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu.

Ước tính cứ triệu view, chủ kênh thu về 300 USD, đó là chưa kể đến khoản thu nhập siêu hấp dẫn từ các đoạn quảng cáo được chèn vào video. Doanh thu “khủng” là lý do những YouTuber vẫn cho ra lò hàng loạt sản phẩm độc hại, bất chấp nhận vô số “gạch đá” từ người xem.

Nam thanh niên đổ cả thau nước mắm lên đầu mẹ để ăn mừng 1.000 người theo dõi kênh Ông Mập Vlog. (Ảnh cắt từ clip)

Nam thanh niên đổ cả thau nước mắm lên đầu mẹ để ăn mừng 1.000 người theo dõi kênh Ông Mập Vlog. (Ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh người mẹ bị đổ trứng vào đầu để ăn mừng kênh có nhiều lượt xem cách đây không lâu, hiện nam thanh niên đã xóa video và xin lỗi cộng đồng mạng. (Ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh người mẹ bị đổ trứng vào đầu để ăn mừng kênh có nhiều lượt xem cách đây không lâu, hiện nam thanh niên đã xóa video và xin lỗi cộng đồng mạng. (Ảnh cắt từ clip)

Tốt hay xấu do người xem quyết định

Nhận định về tình trạng này, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng hiện YouTube có nhiều phân khúc cho người xem, trong đó thanh niên và trẻ em là hai đối tượng được kênh này hướng đến nhiều nhất. Ở mặt tích cực, YouTube mang đến những nội dung đa dạng, phục vụ nhu cầu đời sống từ giải trí đến giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm lành mạnh thì vẫn có không ít các sản phẩm tiêu cực chứa đựng nội dung phản cảm, bạo lực…, tác động xấu đến tư duy của giới trẻ.

Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất, các YouTuber cần có ý thức bảo vệ cộng đồng trước khi nghĩ đến khoản lợi nhuận hấp dẫn do YouTube mang đến.

“YouTube nên tăng cường chính sách kiểm duyệt, phê duyệt các video trước khi được đăng tải trên các kênh của YouTuber để tránh lan truyền các nội dung xấu. YouTube nên đặt thứ tự ưu tiên hiển thị các sản phẩm hấp dẫn có nội dung lành mạnh để định hướng tìm kiếm cho người xem, áp đảo những sản phẩm độc hại. Về phía người xem thì cần xây dựng văn hóa xem lành mạnh, không cổ súy cho các nội dung phản cảm, đòi hỏi các YouTuber phải có sản phẩm thực sự lành mạnh, hữu ích” - TS Tú Anh bày tỏ.

8.000 video độc hại đã bị ngăn chặn và gỡ bỏ trên YouTube theo yêu cầu của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019 sau quá trình làm việc với đại diện Google. Tuy nhiên, lượng video độc hại mới vẫn tăng lên từng giờ.

Đồng quan điểm trên, anh Lê Văn Phong, chủ kênh YouTube Phong Bụi, cho rằng YouTube chỉ là một ứng dụng nền tảng giúp lan tỏa các sản phẩm trí tuệ của con người. Khi những kênh YouTube ngày càng nở rộ, đòi hỏi các YouTuber phải chỉn chu từ nội dung đến kỹ thuật quay dựng video để giữ chân và thu hút người xem. Nếu chỉ dựa vào những nội dung gây sốc, phản cảm và sáo rỗng thì các kênh YouTube chỉ gây ngao ngán người xem và nhận lại sự lên án của cộng đồng.

“Một sản phẩm tốt hay xấu đều phụ thuộc vào tư duy của các YouTuber và quyết định nhấn chuột của người xem. Trên YouTube hiện vẫn có rất nhiều video lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn” - anh Phong nói.

Theo anh Phong, hiện nay YouTube đã có chính sách tắt tính năng kiếm tiền đối với các video, các nội dung và tiêu đề có nội dung phản cảm, bạo lực dù lượt xem lên đến hàng ngàn hay hàng triệu view. Đây là cách YouTube hạn chế những video mang tính tiêu cực.

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/do-ca-thau-nuoc-mam-len-dau-me-de-cau-view-846930.html