Độ che phủ rừng đạt khoảng 45%

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: ANH NGỌC

Ngày 9/10, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị 15 ngày 4/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tham dự có đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo các đơn vị, địa phương.

Theo UBND tỉnh, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các chi bộ, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Trong 3 năm (2017-2019), tổng diện tích trồng rừng (trồng mới, trồng lại sau khai thác) khoảng 18.635ha (đạt tỉ lệ bình quân 128%/năm so với kế hoạch), trồng phân tán trên 3 triệu cây, diện tích chăm sóc rừng khoảng 32.130ha; tổng diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh hơn 410ha (đạt 72% so với kế hoạch). Nhờ triển khai tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, như năm 2016 đạt 38,2% thì đến năm 2019 là 44,24% và đến năm 2020 khoảng 45%...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong công tác triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng vẫn còn khó khăn, dẫn đến tình trạng khai thác gỗ, xâm lấn rừng trái phép; tình trạng tranh chấp, xâm lấn rừng giữa người dân với các ban quản lý rừng vẫn còn phức tạp…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế chỉ đạo: Thứ nhất, công tác phát triển lâm nghiệp bền vững phải được quan tâm đúng mức và sự lãnh đạo tập trung, toàn diện của cấp ủy đảng; chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương; tham mưu đắc lực của các ban ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Thứ hai, trong chỉ đạo điều hành phải chọn những việc trọng tâm, địa bàn trọng điểm, tránh dàn trải; tập trung giải quyết dứt điểm những điểm nóng, vụ việc nổi cộm trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở để có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; giao rõ trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, đơn vị, chủ rừng chịu trách nhiệm trong công tác lâm nghiệp. Thứ ba, làm tốt công tác khuyến lâm, đưa các ứng dụng khoa học công nghệ vào lâm nghiệp, giúp người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, làm giàu từ rừng. Thứ tư, xây dựng các chương trình, dự án, chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển; cùng với việc tích cực tuyên truyền sâu rộng công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để người dân tham gia…

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/246500/do-che-phu-rung-dat-khoang-45.html