Đồ chơi trẻ em dày đặc chợ mạng
Trung thu năm nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm qua các kênh online, kể cả đồ chơi trẻ em. Trên 'chợ mạng', sản phẩm rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại, tuy nhiên, nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thị trường đồ chơi trẻ em trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhộn nhịp quanh năm, phong phú chủng loại, đa dạng về mẫu mã, nguồn gốc và giá thành. Đơn cử như mặt nạ hóa trang trung thu, chỉ mất vài giây tìm kiếm trên một sàn TMĐT quen thuộc, người tiêu dùng nhận được vô số kết quả liên quan với các sản phẩm có mức giá khá rẻ, chỉ từ 6.000 đồng. Đáng lưu ý, những sản phẩm này đều không có thông tin mô tả rõ về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, thậm chí không có cảnh báo đối với trẻ nhỏ khi sử dụng. Tuy nhiên, những sản phẩm này thu hút khá đông người mua vì hình ảnh quảng cáo đẹp, đa dạng mẫu mã, phần vì có giá thành rẻ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng, không vì ham mua đồ chơi rẻ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Những món đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ khi tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài.
Thực tế cho thấy, sự đa dạng các sản phẩm đồ chơi trẻ em cũng đã gây nên những khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhất là thời điểm cận Tết Trung thu, nhiều mặt hàng bánh kẹo, đồ chơi trẻ em "đổ xô" vào thị trường Việt Nam. Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khám xe ôtô đang dừng đỗ hàng hóa tại TP. Huế, phát hiện trên xe vận chuyển hơn 1.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại bằng nhựa có hình dạng khác nhau như: lồng đèn, máy bay, xe ôtô, xe cảnh sát… hình súng, hình kiếm; hơn 80 đôi dép quai hậu và balo các loại. Toàn bộ hàng hóa trên đều do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Tại Lạng Sơn, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Lạng Sơn) đã phối hợp với Đội chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Lạng Sơn (Đội 389 tỉnh) và Đội QLTT số 8 – Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt tổ chức kiểm tra phương tiện xe ôtô tải đầu kéo vận chuyển hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tiến hành kiểm tra thực tế trên xe ôtô, lực lượng chức năng phát hiện có 42 loại hàng hóa đồ chơi trẻ em ghép hình các loại. Đối chiếu hàng hóa thực tế trên xe với tờ khai hải quan do lái xe xuất trình có một loại là bộ đoàn tàu đồ chơi trẻ em loại 12 chi tiết/bộ chất liệu gỗ, số lượng 480 bộ không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu hợp pháp. Tất cả những vụ việc này đều được lực lượng các tỉnh, thành phố lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xác định đây là thời điểm nở rộ tình trạng buôn lậu, buôn bán và vận chuyển các mặt hàng đồ chơi không rõ nguồn gốc, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với nhóm hàng thực phẩm, đồ chơi phục vụ Tết Trung thu năm 2021, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đồ chơi trẻ em là mặt hàng thuộc diện phải quản lý theo quy chuẩn (QCVN3:2009/BKHCN). Do vậy, đồ chơi trẻ em nhập khẩu theo đường chính ngạch sẽ được các cơ quan kiểm định kiểm tra về chất lượng nhập khẩu, nếu đạt yêu cầu mới được phép lưu thông trong nước.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/do-choi-tre-em-day-dac-cho-mang-163993.html