Đồ chơi trung thu mùa Covid: Hàng nội địa lên ngôi
Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến thị trường đồ chơi Tết thiếu nhi. Đồ chơi nhập ngoại năm nay có mẫu mã kém đa dạng hơn mọi năm và giá cả tăng cao do chi phí đầu vào tăng. Trong khi đồ chơi dân gian vẫn phong phú và giá cả ở mức chấp nhận được.
Hàng ngoại ít mẫu mã, hàng nội lên ngôi
Mặc dù còn khoảng hơn 2 tuần nữa là đến Rằm tháng Tám, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội chuyên bán đồ dành cho trẻ em như Lương Văn Can, Hàng Mã…và một số hiệu sách, cửa hàng đồ chơi lớn trên địa bàn thành phố, nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa cho trẻ em giảm hẳn so với mọi năm. Các cửa hàng vắng bóng khách mua hàng, nhiều cửa hàng còn đóng cửa.
Nhiều cửa hàng vắng khách. Ảnh: Q.H
Mặt hàng năm nay kém đa dạng về mẫu mã hơn mọi năm, các loại đồ chơi, đồ dùng học tập vẫn là những mẫu từ năm ngoái. Theo chị Lan – chủ 1 cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can thì đây đều là những hàng tồn từ đầu năm, ít có hàng mới về do dịch Covid-19 bùng phát khiến cho hàng bán ế ẩm và việc nhập khẩu rất khó khăn.
Mẫu mã năm nay vẫn như những năm trước, không có gì "mới mẻ". Ảnh: Q.H
Tại phố Hàng Mã năm nay, các đồ chơi truyền thống có hình ảnh quen thuộc với người dân Việt như đèn lồng, mặt nạ, trống…, được bày bán số lượng nhiều. Những chiếc đầu lân, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, trống tiêu vẫn được xếp vào hàng đầu tiên trong những lựa chọn tiêu dùng của người dân và trẻ em trước dịp Trung thu này.
Đồ trung thu Hàng Mã vẫn rực rỡ sắc màu truyền thống như mọi năm. Ảnh: Q.H
Chị Mai Huyền – nhân viên văn phòng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, năm nay chị sẽ mua đồ chơi dân gian là đèn lồng, mặt nạ cho con vì đây mới đúng là truyền thống Tết trung thu. Các đồ chơi khác như siêu nhân, rô bốt thì không mua do không có gì mới so với mọi năm. Bên cạnh đó, chị sợ hàng Trung Quốc có nhiều đồ làm giả, hàng nhái kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Giá cả tăng so với mọi năm
Năm nay tuy nhiều hàng tồn kho, không có mẫu mã mới nhưng các loại đồ chơi như: siêu nhân, máy bay, rô bốt chạy bằng pin hoặc điều khiển từ xa, búp bê, gấu bông không giảm giá mà có phần gia tăng khoảng 50.000 – 100.000 đồng/sản phẩm. Mức giá đồ chơi dao động từ 200.000 – 2 triệu đồng/sản phẩm tùy từng mẫu mã và chất lượng.
Lý giải về vấn đề này, chị Lan cho biết phần lớn đồ chơi đều nhập theo đường tiểu ngạch, do dịch bệnh khiến việc đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển về cũng gia tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng.
Giá các loại đồ chơi dân gian năm nay cũng tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/sản phẩm so với năm ngoái do nguyên liệu sản xuất khan hiếm dẫn đến giá thành phẩm tăng. Giá các loại đèn ông sao vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng/sản phẩm, các loại cỡ to hơn là 60.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Đèn lồng giấy có giá 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, tùy từng kích cỡ. Đầu lân sư tử là loại đồ chơi có giá đắt nhất, khoảng 550.000 - 950.000 đồng/chiếc, loại đầu lân đặc biệt có giá lên tới 3 triệu đồng/chiếc.
Mặt nạ giấy bồi - một món đồ chơi truyền thống được chính tay các nghệ nhân phố cổ làm thủ công có giá bán khoảng 35.000 - 70.000 đồng/chiếc, trong khi đó mặt nạ nhựa được nhập về có giá dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/chiếc./.