Đô cử nuốt nước mắt giành HCV SEA Games 30
Đô cử Vương Thị Huyền, VĐV mồ côi cha ngay trước thềm SEA Games xuất sắc giành HCV môn cử tạ ở nội dung 45kg nữ.
Biến nỗi đau thành động lực
Đầu giờ chiều 1/12, những thành viên trong Đoàn thể thao Việt Nam có mặt tại nhà thi đấu Ninay Aquino vỡ òa hạnh phúc khi Ban Tổ chức công bố VĐV Vương Thị Huyền giành HCV cử tạ nội dung 45kg nữ. Cô gái quê Bắc Giang đạt tổng cử 172kg (cử giật 77kg, cử đẩy 95 kg). Thành tích này tốt hơn so với thành tích từng đưa cô lên đỉnh châu Á hồi tháng 4/2019 (168kg).
Bật khóc sau khi giành HCV, Vương Thị Huyền nghẹn ngào chia sẻ: “Đây là thành tích tuyệt vời đối với sự nghiệp thể thao của em. Em muốn gửi tặng tấm huy chương này tới người hâm mộ, ban huấn luyện và đặc biệt là bố em, người vừa mới qua đời. Tuy bố không còn nữa nhưng bố đã tiếp thêm sức mạnh, động lực giúp em vượt qua các đối thủ”.
Theo HLV Nguyễn Mạnh Thắng, người trực tiếp dẫn dắt Huyền, khi đội tuyển cử tạ đang tập huấn ở Trung Quốc hồi tháng 11 thì cô nhận tin bố qua đời. Cô xin phép các thày về chịu tang và chỉ 3 ngày sau đã trở lại Trung Quốc tiếp tục quá trình tập huấn cùng với băng đen bên ngực áo. “Tôi biết Huyền đã phải nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong để nhận nhiệm vụ tiên phong cho đội tuyển cử tạ. Dù gặp biến cố lớn nhưng chúng tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào bản lĩnh, sự chuyên nghiệp của Huyền. Cuối cùng em đã không khiến tôi thất vọng khi đoạt HCV”, ông Thắng nói thêm.
Câu chuyện nữ đô cử mồ côi bố giành HCV hẳn sẽ là niềm cảm hứng cho Đoàn thể thao Việt Nam trong những ngày thi đấu còn lại của SEA Games 30. Tuy nhiên, ít người biết rằng, Vương Thị Huyền cách đây 6 năm cũng từng chịu nỗi đau mất mẹ đúng thời điểm vừa được gọi vào biên chế đội tuyển quốc gia.
“Năm 2013, tôi vừa lên tuyển được mấy ngày thì ở nhà mẹ qua đời. Lúc lâm chung, mẹ dặn mọi người không báo cho tôi nên tôi chẳng được gặp mẹ lần cuối. Nhiều lần vừa nâng tạ tôi vừa khóc vì thương và chưa báo hiếu được mẹ. Càng thương mẹ bao nhiêu tôi càng quyết tâm tập luyện bấy nhiêu bởi tôi muốn mẹ nơi chín suối mỉm cười vì con gái mình đã trưởng thành. Giờ đây, tôi có thể tự hào đứng trước ban thờ bố mẹ để khoe rằng tôi đã có HCV SEA Games”.
Thành tích tổng cử 172kg của Huyền còn đáng trân trọng hơn khi nó ngang bằng thành tích HCĐ Olympic hạng cân 45kg. “Huyền coi như đã có vé Olympic, mọi thứ còn lại chỉ là thủ tục. Nếu giữ được đà tiến bộ, sự tập trung như thời gian qua, tôi cho rằng cô gái này đủ khả năng tranh chấp huy chương ở thế vận hội 2020”, chuyên gia Đặng Việt Cường chia sẻ.
Lần đầu tiên của nhà vô địch châu Á
“
Đến muộn về sớm
16 tuổi, Vương Thị Huyền mới đến với cử tạ, độ tuổi khá muộn. Tuy nhiên, bằng ý chí và nỗ lực phi thường, cô nhanh chóng tiến bộ, thậm chí vượt cả những đồng đội vào nghề trước mình 5-6 năm. Hàng ngày, ngoài giáo án, Huyền đều xin thày tập luyện thêm để hoàn thiện kỹ năng. Đến nay, khi mới 27 tuổi, cô gái Bắc Giang đã đạt được gần như mọi vinh quang. Nếu tái hiện được thành tích tốt nhất 194kg tại giải Vô địch thế giới 2015, Huyền thậm chí có để đua HCV tại Olympic 2020.
”
Có một nghịch lý trong sự nghiệp của Vương Thị Huyền, dù là nhà vô địch châu Á và thế giới nhưng cô chưa lần nào giành HCV ở một kỳ SEA Games. Năm 2015, 2017, dù nhận nhiều kỳ vọng nhưng đô cử sinh năm 1992 đều thất bại đáng tiếc. “Tôi đã có mọi vinh quang ở đấu trường châu lục lẫn thế giới nhưng không hiểu sao vẫn vô duyên tại SEA Games cho đến trước ngày hôm nay. Chiến thắng lần này sẽ giúp tôi có thêm niềm tin vào bản thân mình. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tập luyện để cải thiện khả năng của bản thân”.
Kể về hành trình đi tới chiếc HCV SEA Games 30, cô gái vàng cử tạ Việt Nam cho hay, về cơ bản, mọi thứ đều đi theo đúng kế hoạch mà ban huấn luyện đề ra. Khó khăn duy nhất là việc cô mất một buổi tập trước ngày ra quân do Ban tổ chức không sắp xếp được địa điểm. Ngoài ra, thời gian này, cô đang thực hiện chế độ ép cân nên không được ăn uống thoải mái.
“Đồ ăn ở khách sạn nơi đội cử tạ đóng quân dễ ăn và phong phú nhưng tôi không dám ăn nhiều bởi nếu lên cân thì sẽ bị loại. Trong thời gian ở Philippines, nhằm giúp tôi đảm bảo thể lực, thày Thắng đã phải đi chợ, làm một số món ăn giúp tôi bổ sung năng lượng. Bữa ăn cuối cùng trước khi vào thi đấu, tôi được thày cho ăn cháo gà”, Huyền kể lại.