Do đâu 1 triệu tỷ đồng 'đắp chiếu' ở ngân quỹ?

Nguyên nhân khiến 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ 'đắp chiếu' ở ngân hàng do số tiền chuyển nguồn của các năm ngày càng lớn; có tình trạng, bộ ngành, địa phương 'xí phần' vốn đầu tư nhưng không giải ngân hết.

Điểm danh nguồn tiền tồn đọng

Liên quan tới số tiền 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ nhà nước đang gửi tại ngân hàng thương mại, trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Quản lý Ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước), cho biết nguyên nhân lớn nhất khiến ngân quỹ nhà nước tồn đọng do quy định chuyển nguồn vốn. Từ khi có quy định về chuyển nguồn vốn (năm 2018), số tiền chuyển nguồn tồn đọng qua các năm lớn dần.

Nguồn tiền đầu tư công tồn đọng ở ngân hàng do bộ ngành, địa phương “xí phần” vốn rồi không tiêu hết. Ảnh minh họa

Nguồn tiền đầu tư công tồn đọng ở ngân hàng do bộ ngành, địa phương “xí phần” vốn rồi không tiêu hết. Ảnh minh họa

“Tại báo cáo quyết toán ngân sách trong 3 năm gần đây, con số chuyển nguồn của ngân sách địa phương qua các năm ngày càng tăng. Theo Luật Ngân sách, các nguồn hiện nay, gồm: chuyển nguồn vốn đầu tư công từ năm trước sang năm sau; chuyển nguồn vốn cải cách tiền lương; chuyển nguồn từ tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm và nguồn kinh phí khác, như khoản chi thường xuyên đã ký hồ sơ trước ngày 31/12 hàng năm được chuyển sang năm sau”, ông Hoàng cho biết.

Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, trong 1 triệu tỷ đồng tiền ngân quỹ tồn ở ngân hàng, gồm: vốn đầu tư công khoảng 360 nghìn tỷ đồng, tiền cải cách tiền lương gần 300 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên khoảng 100 nghìn tỷ đồng…

Theo Cục Quản lý Ngân quỹ, khoản tiền lớn nhất trong hơn 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ nhà nước là nguồn tiền cải cách tiền lương. Từ năm 2019, mỗi năm, ngân sách nhà nước dành một phần cho chương trình cải cách tiền lương và đến nay ước gần 300 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, từ 1/7 sắp tới, cơ quan chức năng thực hiện cải cách tiền lương, nguồn tiền này sẽ giảm đi. Số tiền này sẽ trực tiếp chi cho cán bộ, công nhân viên chức.

Nguồn tiền lớn thứ 2 trong tồn ngân quỹ nhà nước là vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 360 nghìn tỷ đồng. Khi bộ ngành, địa phương hoàn thành thủ tục, có khối lượng nghiệm thu, Kho bạc Nhà nước sẽ chi tiền. Lúc này, dòng tiền từ ngân quỹ nhà nước “chảy” vào doanh nghiệp.

Nguồn tiền tồn đọng tiếp theo là chi thường xuyên, với số tiền gần 100 nghìn tỷ đồng. Đây là khoản chi bộ ngành, địa phương đã ký quyết định trước ngày 31/12/2022 và chuyển nguồn sang năm 2023.

“Một triệu tỷ đồng ngân quỹ nhà nước đang tồn đọng đều có nhiệm vụ chi theo từng khoản mục. Tuy nhiên, bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đủ quy trình thủ tục, chưa giải ngân nên tiền đọng ngân quỹ”, ông Lưu Hoàng cho biết.

Để giải quyết tình trạng tiền tồn đọng ở ngân quỹ nhà nước, ông Lưu Hoàng kiến nghị, cơ quan chức năng cần có giải pháp hạn chế chuyển nguồn vốn hàng năm. Ví dụ, khi lập dự toán, bộ ngành, địa phương phải sát thực tế số tiền có thể thực hiện, không “xí phần” vốn rồi không giải ngân hết. Thực tế có tình trạng, một số địa phương, bộ ngành lập dự toán 100 đồng, chỉ tiêu hết 70 đồng, 30 đồng còn lại sẽ chuyển nguồn sang năm sau. Khi hạn chế được chuyển nguồn, tiền tồn ngân quỹ sẽ giảm ngay.

Do vướng Luật Đầu tư công?

Một trong giải pháp giúp tiền từ ngân quỹ nhà nước “chảy” vào nền kinh tế là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nhiều bộ ngành, địa phương kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư công để tháo gỡ vướng mắc. Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023, vốn ngân sách trung ương là hơn 360 nghìn tỷ đồng.

Với kiến nghị sửa Luật Đầu tư công, vị lãnh đạo này cho biết, bản thân Bộ KH&ĐT và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhiều lần đề nghị, chuyên gia, bộ ngành kiến nghị sửa luật cần nêu cụ thể, sửa điều khoản nào, sửa ra sao? Luật Đầu tư công vừa ban hành năm 2019, theo nhận định của Bộ KH&ĐT, chưa có vướng mắc nghiêm trọng đến mức phải sửa đổi luật.

“Giải ngân vốn đầu tư công liên quan dự án đang thực hiện, đã bố trí vốn nên mấu chốt khâu thi công, mua sắm. Giải ngân được vốn đầu tư công sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang tổng hợp từ bộ ngành, địa phương về vướng mắc của Luật Đầu tư công. Từ đó, CIEM đưa ra kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi cho phù hợp.

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/do-dau-1-trieu-ty-dong-dap-chieu-o-ngan-quy-post1538784.tpo