Do đâu chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công?

Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới nhưng khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng. Thiếu những quy định phù hợp đã vô tình trở thành rào cản khi các startup gia nhập thị trường và các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tham gia hỗ trợ khởi nghiệp.

Chiều ngày 2/12, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2019 (lần thứ 4) với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”.

Với con số chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra, các chuyên gia cho rằng, hành lang pháp lý quy định các định chế, pháp chế riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang thiếu và yếu, cản trở các startup gia nhập thị trường và các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tham gia hỗ trợ khởi nghiệp. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo mặc dù đã tiến bộ hơn so với nhiều văn bản trước đó. Tuy nhiên vẫn có những yếu tố khó khả thi cho cộng đồng startup Việt Nam.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Bà Đoàn Thu Nga - Giám đốc Công ty TNHH Lawpro phân tích, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn có những pháp chế, định chế thực sự cụ thể hơn trong câu chuyện về gọi vốn, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận được và dễ dàng đón nhận vốn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, quy định về gọi vốn trong Nghị định cũng chưa thực sự rõ ràng. Quy định về tiêu chí định giá doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chưa thực sự sắc nét. “Yếu tố chúng tôi quan tâm nhất lại rất khó thực thi đó chính là yếu tố lập quỹ, mặc dù Nghị định 38 có đề cập đến”, bà Nga cho hay.

Bà Đoàn Thu Nga phân tích, Nghị định 38 cho phép các nhà đầu tư hùn vốn lại với nhau để thành lập quỹ mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng lại không cho thành lập pháp nhân mà phải tự thỏa thuận để có một ai đó cầm đồng tiền này đi đầu tư. Quy định này chết từ trong trứng nước vì phụ thuộc vào yếu tố con người…

Hiện nay, trên thực tế, khi cần vốn, thậm chí các doanh nghiệp phải chọn nước thứ 3 gần nhất và có nền kinh tế phát triển tài chính tốt nhất – như Singapore - cùng nhau sang đó lập công ty, sau đó mới mang nguồn vốn đó về Việt Nam, và phần lớn các doanh nghiệp này đều mang tên nước ngoài và thậm chí không thực sự đúng nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam. Thực sự, đây là điều đáng tiếc.

Cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp mới hỗ trợ vòng ngoài là nhiều. Khảo sát của VCCI cho hay, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát yếu trong khâu tìm kiếm khách hàng, 42% doanh nghiệp phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần). Kinh nghiệm của các nước cho thấy nên tập trung vào nghiên cứu phát triển sản phẩm để doanh nghiệp khởi nghiệp hạn chế rủi ro, tăng được số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Khẳng định nhà nước không bỏ ngân sách ra để hỗ trợ khởi nghiệp mà chỉ hỗ trợ về môi trường, đào tạo… ông Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho hay, 42% doanh nghiệp thất bại do tạo ra các sản phẩm thị trường không cần, 29% doanh nghiệp khởi nghiệp chạy được một thời gian thì hết vốn. Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam có niềm đam mê khởi nghiệp rất lớn nhưng niềm đam mê khởi nghiệp này cũng tắt cũng rất nhanh.

Làm sao tinh thần khởi nghiệp cao như vậy? Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, trong nhiều năm tăng trưởng kinh tế thấp, sau đó, tăng trưởng kinh tế cao, đưa đến kỳ vọng vào tương lai rất tốt đẹp. Tin tưởng ngày mai giàu hơn hôm nay, và do đó, khi càng lạc quan thì tỷ lệ thất bại càng cao hơn. Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, con số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sẽ thấp hơn rất nhiều so với con số công bố. “3.200 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, nhưng thành công thực chất chỉ rất ít. Liệu chúng ta có đang hơi lạc quan quá?”, ông Nguyễn Tú Anh nói.

Dẫn nguồn một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu, Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng. “Như vậy, có khoảng cách giữa khát vọng, giữa ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Quy định và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang ngày càng được hoàn thiện nhưng nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy định và chính sách trên thực tế. Hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện đang vẫn thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới này. Đây là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khó tiếp cận vốn và hoạt động. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm, sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy các công nghệ ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. "Rất cần định chế và hàng lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp có được lối đi tốt hơn", bà Đoàn Thu Nga kiến nghị,

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/do-dau-chua-den-10-doanh-nghiep-khoi-nghiep-thanh-cong-129202.html