Đo đếm khoản hụt thu của ngân hàng mùa dịch

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tín dụng khó tăng trưởng do doanh nghiệp chưa trở lại nhịp sản xuất, kinh doanh như trước dịch. Ðồng thời, các nhà băng phải cơ cấu, giãn nợ và thoái lãi dự thu khiến lợi nhuận giảm.

Tổng kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Eximbank dự kiến đạt 1.318 tỷ đồng, giảm 40% so với con số đưa ra hồi đầu năm.

Tổng kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Eximbank dự kiến đạt 1.318 tỷ đồng, giảm 40% so với con số đưa ra hồi đầu năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ thống các tổ chức dụng đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5-2,5%/năm, thậm chí có ngân hàng thương mại còn giảm tới 3-4%/năm, nhưng tín dụng vẫn tăng thấp.

Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến ngày 29/5, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn đáng kể so với mức 5,74% của cùng kỳ năm 2019 hay 6,16% của cùng kỳ năm 2018.

Theo bà Giang, cầu tín dụng tăng thấp là do tác động của đại dịch, đồng thời NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, để vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô cho biết, với việc tái cơ cấu và giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, ngân hàng sẽ phải thoái hoàn toàn lãi dự thu.

Thêm vào đó, để kích cầu tín dụng khó tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhà băng phải đưa ra các gói tín dụng, lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp.

Vị tổng giám đốc trên ước tính, khoản lợi nhuận sụt giảm trong năm nay của ngân hàng ông có thể lên đến 2.000-3.000 tỷ đồng, chứ không chỉ vài trăm tỷ đồng như dự tính trước đó.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng âm trong quý I/2020 (Eximbank, Saigonbank, MB) và nhiều lãnh đạo nhà băng cho biết, tình hình chưa thể cải thiện nhiều trong quý II/2020. Ðây là một trong những chính lý do khiến nhiều nhà băng phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận
năm 2020.

Ðơn cử, tại MB, theo kế hoạch trình Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 ngày 24/6 tới, lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ giảm 10% so với năm 2019, ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông tổ chức mới đây, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, khó khăn trong những tháng đầu năm là rất lớn khi nhiều doanh nghiệp xin ngân hàng tái cơ cấu, gia hạn nợ.

“Nhiều doanh nghiệp cho biết nhà máy không sản xuất được, hàng hóa không xuất khẩu được, có thanh lý tài sản cũng khó có người mua…”, ông Văn thông tin.

Về kế hoạch năm 2020, ông Văn cho biết, SCB xây dựng trên cơ sở thực hiện phát triển hoạt động cho vay, đảm bảo tăng trưởng tín dụng nằm trong hạn mức được NHNN phê duyệt.

Cụ thể, SCB dự kiến đạt thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ 1.800 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2019, trong đó tăng doanh số bảo hiểm 70% so với năm 2019; cho vay khách hàng đạt 377,283 tỷ đồng, tăng 13% và huy động thị trường 1 đạt 553,092 tỷ đồng, tăng 13%.

Tổng tài sản được SCB dự kiến đạt 637,166 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, SCB không công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020.

Tại Eximbank, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến đạt 1.318 tỷ đồng, giảm tới 40% so với con số đưa ra hồi đầu năm 2020, cho dù vẫn tăng 22% so với kết quả năm 2019.

Kết thúc quý đầu năm nay, Eximbank đạt hơn 500 tỷ đồng lãi trước thuế, nhưng sang quý II/2020 ước chỉ đạt phân nửa con số quý I do Ngân hàng phải cơ cấu, giãn nợ nên không được thu lãi dự thu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Với cùng nguyên nhân, lãnh đạo Sacombank cho biết, dự kiến lãi trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt khoảng 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với thực hiện năm 2019.

Kế hoạch năm nay, Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu. 5 tháng đầu năm, Sacombank đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng và con số thực thu đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng.

“Từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu xử lý và thu hồi được 11.000 tỷ đồng nợ xấu”, vị lãnh đạo này nói.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ngan-hang/do-dem-khoan-hut-thu-cua-ngan-hang-mua-dich-331767.html