'Độ' đèn xe: thú chơi nguy hiểm

Các ô tô 'độ' đèn quá sáng tham gia giao thông sẽ làm giảm khả năng quan sát, phán đoán của các tài xế xe đối diện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tai nạn tiềm ẩn

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi cảnh một xe bán tải biển số 86C-196.XX chạy trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua Đồng Nai) lắp thêm đèn led siêu sáng phía sau khiến nhiều tài xế bức xúc.

Xe bán tải lắp đèn siêu sáng trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Xe bán tải lắp đèn siêu sáng trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, vào ngày 31/7, một tài xế xe khách đã quay video lại đăng lên mạng xã hội. Đoạn video cho thấy xe bán tải đi phía trước đã lắp đèn led ở trên nóc xe. Khi tài xế xe này đạp thắng, ánh sáng trắng phát ra gây lóa mắt. Việc này khiến người lái phía sau bị chói mắt, không thể quan sát được cung đường cũng như hướng di chuyển của các xe đi chiều ngược lại.

Không chỉ "độ" đèn cho các phương tiện cá nhân, các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt cũng được các tài xế áp dụng "thú chơi" này. Theo đó, trên Quốc lộ 1, đoạn qua phường Linh Trung, TP Thủ Đức ghi nhận tài xế Nguyễn Phước Minh Vương (42 tuổi) điều khiển xe buýt đã có hành vi "Lắp đặt, sử dụng đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới".

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng CSGT TP đề nghị xử lý tài xế xe buýt số 53 BKS 51B-252.84 "độ" đèn quá sáng gây chói mắt người đi đường.

Tài xế xe buýt tự ý lắp thêm đèn gây chói mắt người đi đường.

Tài xế xe buýt tự ý lắp thêm đèn gây chói mắt người đi đường.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người tham gia giao thông thực hiện hành vi lắp đặt, sử dụng đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư; khi tham gia giao thông, xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ phương tiện, từ xe khách, xe tải và kể cả xe con, xe máy thường sử dụng các loại đèn chiếu sáng có cường độ mạnh nhằm tăng khả năng quan sát khi di chuyển vào ban đêm.

Thậm chí, do sự thiếu ý thức của một bộ phận lái xe, đã có không ít trường hợp bật hoặc sử dụng đèn pha sai quy định như đèn led, đèn xeon, đèn laser có ánh sáng xanh hoặc trắng với cường độ mạnh hơn gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản.

Hành động này gây nguy hiểm cho các phương tiện khi đi trong thời điểm đêm tối, đặc biệt là những xe lưu thông ngược chiều, dễ xảy ra va chạm, thậm chí gây tai nạn nghiêm trọng.

Theo nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông, các phương tiện sử dụng đèn chiếu xa (đèn pha) để chiếu sáng ban đêm hoặc phát tín hiệu cảnh báo vì có khả năng chiếu sáng khoảng 100m trở lên. Khi ra đường cao tốc hoặc muốn quan sát các biển báo thì đèn pha của xe sẽ giúp người lái xe quan sát tốt hơn bởi cường độ ánh sáng mạnh hơn và tầm nhìn xa hơn.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các lái xe lạm dụng đèn pha bởi loại đèn này với góc chiếu cao và cường độ mạnh sẽ làm cản trở tầm nhìn và gây khó chịu những lái xe đi ngược chiều hoặc ngay cả những lái xe đi cùng chiều ở phía trước.

Việc độ đèn xe với ánh sáng mạnh khiến các xe chạy đối diện sẽ gây khó chịu, mất khả năng phán đoán, ước lượng về kích thước, khoảng cách các phương tiện khác đang lưu thông dẫn đến dễ xảy ra tai nạn.

Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều loại đèn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp khi sử dụng một thời gian có hiện tượng nước vào gây hư hỏng, mất an toàn cho xe.

Siết chặt quản lý

Theo các đơn vị đăng kiểm, nếu như quy định cũ, ô tô "độ" đèn (thay đổi cụm đèn chiếu sáng phía trước) khi đi đăng kiểm chỉ cần đưa phương tiện vào máy đo chỉ tiêu ánh sáng (màu sắc, cường độ sáng, chùm sáng…) nếu đạt theo yêu cầu sẽ đạt hạng mục kiểm tra về đèn.

Tuy nhiên, với quy định mới tại Thông tư 43/2023, các trường hợp thay đổi cụm đèn chiếu sáng, chủ xe đưa phương tiện đi đăng kiểm phải xuất trình được giấy công bố hợp quy của cụm đèn này hoặc trên cụm đèn phải có tem chứng nhận hợp quy. Nếu không, lập tức xe không đạt hạng mục kiểm tra về đèn, chưa cần phải đo chỉ tiêu ánh sáng đèn bằng máy kiểm tra.

Chủ xe cần tìm hiểu kỹ quy định trước khi "độ" đèn. Trong trường hợp thay cụm đèn chiếu sáng, bắt buộc cụm đèn đó phải được chứng nhận hoặc công bố hợp quy, đồng thời phải xin lại giấy này để xuất trình khi đi đăng kiểm.

Các loại ''độ đèn'' xe ô tô không được đăng kiểm chấp nhận phổ biến như: thay cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn khác kiểu loại so với thiết kế của xe; thay cụm đèn chiếu sáng thông thường bằng đèn bi Led có cường độ sáng lớn và góc lóa rộng; thay đèn chiếu sáng có cả ánh sáng xanh, đỏ (đèn mắt quỷ); thay bóng đèn có công suất lớn hơn nhiều so với bóng cũ…

Đơn vị đăng kiểm chỉ chấp thuận cụm đèn thay thế đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo QCVN 35:2017/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt.

Tem hợp quy được dán trên đèn và có giấy tờ kèm theo, khi mua, cơ sở cung cấp có trách nhiệm giao cho người mua chứng từ này. Chủ xe khi thay đèn cần giữ giấy tờ để cung cấp cho Trung tâm Đăng kiểm. Nếu không có sẽ được coi là sử dụng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không được đăng kiểm chấp thuận kết quả kiểm định đèn.

Trường hợp đơn giản hơn là thay thế bóng đèn, quy định mới cho phép thay thế bóng đèn kiểu loại khác với thiết kế của xe nhưng công suất phải tương đương và không cần thay đổi kết cấu cụm đèn vẫn thay được bóng.

Quy định mới cũng cho phép chủ phương tiện được lắp thêm đèn sương mù mà không cần làm thủ tục gì. Tuy nhiên vẫn có yêu cầu đối với đèn sương mù: chỉ được lắp đặt dạng rời, số lượng tối đa 2 chiếc, chỉ được dùng màu trắng hoặc vàng.

Đèn sương mù phải lắp phía đầu xe, bên dưới đèn chiếu sáng và đối xứng với nhau. Vị trí đèn tính từ mép ngoài cùng của xe không quá 40cm và không thấp hơn 25cm. Công tắc bật/tắt đèn sương mù phải độc lập với đèn chiếu sáng phía trước.

Ngoài ra, đèn sương mù phải được lắp đặt đảm bảo ánh sáng không hắt lên phía trên, phải nằm bên dưới đường nằm ngang (có thể xác định ước chừng hoặc máy kiểm tra đèn). Đèn sương mù đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên mới được đơn vị đăng kiểm chấp thuận, xác nhận sự phù hợp.

Hiện nay việc lắp đèn sương mù phổ biến tình trạng: lắp đèn bi Led và hoạt động tương tự như đèn chiếu sáng gần, chiếu xa (đèn pha); lắp dải đèn ở giữa đầu xe; đèn có nhiều màu sắc khác nhau… Các trường hợp như trên khi đăng kiểm định kỳ phương tiện sẽ không được chấp thuận, buộc phải khắc phục, sửa chữa.

Theo các chuyên gia, cùng với sự kiểm chặt của các đơn vị đăng kiểm, lực lượng chức năng kiểm tra trên đường nếu phát hiện xử nghiêm, tăng cường tuyên truyền chắc chắn sẽ tạo được tính răn đe, nâng cao ý thức của chủ xe, tài xế.

Bên cạnh kiểm tra trực tiếp trên đường, lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát giao thông hoặc qua phản ánh của người dân. Qua đó, ngăn chặn tình trạng "độ" đèn quá sáng, ngăn hiểm họa về tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Ngọc Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/do-den-xe-thu-choi-nguy-hiem.html