Đô đốc Mỹ: Không thể làm ngơ trước sự hung hăng của TQ ở Biển Đông
Đô đốc James Stavridis cho biết thế giới không thể làm ngơ, dù đứng trước những lựa chọn khó khăn, trong bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng trên Biển Đông.
Giữa lúc thế giới phân tâm trong bối cảnh dịch bệnh, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên hung hăng hơn, theo bài viết của đô đốc James Stavridis của Hải quân Mỹ, cựu tư lệnh các lực lượng NATO, trên Nikkei Asian Review.
Mới đây nhất, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân để gây sức ép lên các nước láng giềng. Trong tháng 4, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam, hành động sau đó vấp phải sự lên án rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc chuyển hướng, ngày càng hung hăng
Cựu tư lệnh các lực lượng NATO vạch rõ rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên sự hiện diện của tàu chiến Mỹ trong khu vực, thông qua các tín hiệu gây hấn, sử dụng máy bay và tàu chiến áp sát ở khoảng cách nguy hiểm, hay hướng radar điều khiển hỏa lực về phía tàu chiến Mỹ, tín hiệu chuẩn bị khai hỏa.
Sau khi kiểm soát thành công sự lây lan của virus corona và nhanh chóng tái khởi động nền kinh tế, Trung Quốc rõ ràng cho rằng họ ở vị thế có thể đưa ra các sáng kiến về kinh tế và quyền lực mềm nhằm lôi kéo các nước ít có liên quan tại Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ Biển Đông, từ bờ biển đại lục tới rìa ngoài của đường 9 đoạn phi pháp. Điều này có tác động quốc tế to lớn, bởi đây là vùng biển có giao thương hàng hải với khối lượng lớn, cùng trữ lượng dầu khí và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.
Bất chấp đường 9 đoạn đã bị Tòa trọng tài quốc tế tuyên bố là không có giá trị pháp lý từ năm 2016, cũng như sự phản đối quyết liệt từ các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực thi các tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Mỹ từ lâu đã triển khai chiến dịch có tên "Tuần tra tự do hàng hải" (FONOP) nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp cũng như hoạt động xây dựng các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Đáp lại, Bắc Kinh ráo riết mở rộng sức mạnh của hải quân, bổ sung thêm nhiều tên lửa siêu thanh "sát thủ tàu sân bay", cũng như phát triển công nghệ tàu ngầm. Sự gia tăng nhanh chóng năng lực hải quân khiến Bắc Kinh tự tin hơn trong đối đầu với các cuộc tuần tra của Mỹ.
Lựa chọn khó khăn của thế giới
Chiến lược của Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng, bởi những vấn đề mâu thuẫn nội tại của Trung Quốc. Trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực củng cố quyền lực, nhà lãnh đạo Trung Quốc cần duy trì sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu.
Khi tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, Bắc Kinh cần một lý do để quy tụ sự ủng hộ. Chiến lược hung hăng trên Biển Đông, với cách thức thể hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trở thành lựa chọn của Bắc Kinh.
Phần còn lại của thế giới giờ bị đẩy tới những lựa chọn khó khăn. Không quốc gia nào muốn rơi vào cuộc chiến tranh lạnh toàn diện, hay thậm chí chiến tranh vũ trang, với Trung Quốc, đô đốc James Stavridis cảnh báo.
"Thế nhưng, để tránh được nguy cơ này trong khi vẫn có thể chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, sức ép về kinh tế, ngoại giao hay thậm chí răn đe quân sự là cần thiết", đô đốc James Stavridis nhận định.
Đô đốc Stavridis cho rằng Mỹ nên tìm kiếm sự lên án về ngoại giao chống lại Trung Quốc của các quốc gia Đông Nam Á, cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Về khía cạnh quân sự, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải cần tiếp tục được đẩy mạnh, với sự tham gia của Mỹ, cũng như các đồng minh NATO như Anh và Pháp.
Một phần của chiến lược gây sức ép là về kinh tế, bao gồm vừa khuyến khích, nhưng đồng thời sẵn sàng trừng phạt nếu các hành động nguy hiểm của Trung Quốc tiếp diễn.
Cuối cùng, đó là sự đối đầu trên không gian mạng. Mỹ cần có lớp phòng vệ nghiêm túc trong bối cảnh Trung Quốc, với truyền thống sử dụng các nhóm tin tặc, nhiều khả năng sẽ tấn công mạng nhắm vào các cơ sở của Mỹ.