Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị phạt 4 năm tù, Út 'Trọc' lĩnh 20 năm tù

Cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến và Vũ Thị Hoan cùng nhận mức án 4 năm tù. Còn Út 'Trọc' bị tuyên phạt 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiều 21/5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đưa ra phán quyết đối với vụ án Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 lô đất trong 49 năm nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) bị tuyên phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung với bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành bản án 30 năm tù.

Cùng tội danh này, bị cáo Phạm Văn Diệt (cựu Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh) bị tuyên phạt 15 năm tù, Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh) lĩnh 7 năm tù.

Bị cáo Bùi Như Thiềm (nguyên Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân) lĩnh 9 năm tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Cùng phạm tội này, ông Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính) nhận mức án 7 năm tù. Còn cựu Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Hải Thành là Bùi Văn Nga và Trần Trọng Tuấn lần lượt lĩnh 8 và 4 năm tù.

Sai phạm của ông Hiến rất nghiêm trọng

Theo bản án, sau khi Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đồng ý chủ trương làm kinh tế, nhóm các bị cáo Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo đã tham mưu cho quân chủng giao Công ty Hải Thành liên kết kinh doanh, bàn giao 3 khu đất cho đối tác khi đây vẫn là đất quốc phòng.

Các bị cáo không tham mưu lập dự án đầu tư, báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt theo quy định và xác nhận Hải Thành hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi dù chưa nộp tiền sử dụng đất và có những sai phạm khác tạo điều kiện cho đối tượng mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp ngân hàng.

 Ông Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù. Ảnh: TTQS.

Ông Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù. Ảnh: TTQS.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo không được góp vốn bằng đất, các bị cáo vẫn ký hợp đồng góp vốn theo hợp đồng liên doanh trước đó. 3 bị cáo trên cùng Trần Trọng Tuấn cũng có trách nhiệm khi không đề xuất chấm dứt góp vốn, không báo cáo ngăn chặn việc Đinh Ngọc Hệ mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp.

Còn ông Nguyễn Văn Hiến với tư cách Tư lệnh Quân chủng Hải quân, bị cáo không làm hết chức trách nhiệm vụ, thiếu kiểm tra đôn đốc, không chỉ đạo kiểm tra năng lực đối tác, không kiểm tra việc góp vốn, phê duyệt các văn bản cấp dưới trình ký dẫn đến việc quân chủng mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất.

Cựu thứ trưởng cũng bị cáo buộc không thực hiện ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng về cấm góp vốn bằng đất. Năm 2011, ông Hiến yêu cầu tổng kiểm tra các dự án liên doanh nhưng không có biện pháp chỉ đạo để dừng thủ tục pháp lý.

Theo Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quan, hành vi của ông Hiến cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này là rất nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý đất quốc phòng, khiến quân chủng mất quyền quản lý, sử dụng các khu đất và gây dư luận xấu, ảnh hưởng uy tín quân đội.

Út “Trọc” chịu trách nhiệm chính

Đinh Ngọc Hệ không nhận tội nhưng HĐXX có căn cứ xác định bị cáo này là người thành lập, toàn quyền quyết định hoạt động của Công ty Yên Khánh. Hoan và Diệt chỉ là người đứng tên.

Khi biết Quân chủng Hải quân có chủ trương làm kinh tế, Hệ đã chỉ đạo Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu) lập tờ trình phản ánh không đúng năng lực của Yên Khánh để liên doanh với Công ty Hải Thành.

 HĐXX công bố bản án. Ảnh: TTQS.

HĐXX công bố bản án. Ảnh: TTQS.

Khi liên doanh Yên Khánh Hải Thành được thành lập, Đinh Ngọc Hệ không góp vốn mà cho thuê lại khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng và chuyển tên quyền sử dụng đất, dùng chữ ký giả để chiếm quyền định đoạt và vay vốn tại Vietbank. Sau đó, bị cáo giải chấp khoản vay trên và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo lãnh cho các khoản vay tại BIDV cho các công ty của Hệ.

Tòa xác định các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất có giá trị hơn 500 tỷ nên đủ yêu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hệ khởi xướng, chỉ đạo đồng phạm ký các giấy tờ, chuyển quyền sử dụng đất và giả mạo chữ ký để vay vốn, thế chấp ngân hàng nên phải chịu trách nhiệm chính. Phạm Văn Diệt có trách nhiệm lớn thứ hai, là người thực hành tích cực. Còn Vũ Thị Doan chịu trách nhiệm sau cùng trong nhóm bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì ký giấy tờ thực hiện theo chỉ đạo của Hệ và yêu cầu của Diệt.

Ngoài xử phạt Đinh Ngọc Hệ 80 triệu đồng, Phạm Văn Diệt 60 triệu và Vũ Thị Hoan 20 triệu đồng, tòa yêu cầu các tổ chức liên quan trả lại quyền sử dụng 3 lô đất trong vụ án cho Quân chủng Hải quân.

Theo HĐXX, lô đất số 2 và số 9-11 Tôn Đức Thắng được các bị cáo ở Quân chủng Hải quân cho thuê trái pháp luật, còn khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng bị nhóm của Hệ chiếm đoạt bằng thủ đoạn phạm tội nên đề nghị của BIDV về việc không thu hồi quyền sử dụng đất và trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền lợi của ngân hàng là không có cơ sở.

Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm lập hợp đồng thế chấp để vay vốn cấp bảo lãnh cho các công ty vay vốn của BIDV nên các bên có quyền tự thỏa thuận thay thế tài sản đảm bảo hoặc giải quyết bằng hợp đồng dân sự.

Bá Chiêm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/do-doc-nguyen-van-hien-bi-phat-4-nam-tu-ut-troc-linh-20-nam-tu-post1087028.html