Đò đưa sông Vệ nghênh ngang...
Chuyến trở về nguồn của chúng tôi đã định chốt cuối cùng là Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Nhưng người dẫn đường nói chúng tôi sẽ gặp niềm vui bất ngờ trước khi đến đó.
Anh lộ bí mật khi nói đến một loài cúc pha lê. Thế là ai nấy đoán già đoán non rằng, đó sẽ là một công viên, hay một thung lũng đầy hoa, vì huyện Mộ Đức cũng có cả rừng, núi và biển nữa. Hóa ra đã có người đúng...
Rạng rỡ sắc vàng
Con sông Vệ hiền hòa cùng với sông Trà Bồng từ trên dãy Trường Sơn đổ về. Chúng cùng nhập vào sông Trà Khúc rồi chảy ra biển. Nếu con sông Trà Bồng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ cùng với những câu thơ hay của cố thi sĩ Tế Hanh viết về quê hương mình, thì sông Vệ lại tràn ngập không khí của tàu bè buôn bán tấp nập một thời với bến bãi và phố xá ồn ào.
Người dẫn đường đọc câu ca dao về cảnh sông nước đã in dấu thời gian: "Đò đưa sông Vệ nghênh ngang. Bạn hàng nô nức sao chàng ngồi đây". Hay như: "Kể từ sông Vệ, chợ Gò. Ngó vô Thi Phổ thấy đò Dắt Giây…". Đến nay hàng phố Thi Phổ và chợ Đồng Cát không nhộn nhịp như xưa, nhưng bên sông Vệ đã mọc lên những làng hoa. Ai nấy đều bất ngờ với không gian mênh mang màu vàng. Đó là một quầng sáng rực rỡ của tấm thảm hoa vắt ngang sông Vệ.
Bát ngát những cánh đồng hoa cúc của xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cùng xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Mỹ (huyện Tư nghĩa) liền kề. Hơn mười năm nay, nơi đây được coi là vựa hoa lớn nhất miền Trung. Đặc biệt là giống hoa cúc Đà Lạt được đưa về nhân giống và trở thành đặc sản hoa Tết của các vùng, miền và các thành phố từ Đà Nẵng trở vào tới Bình Định.
Khi chúng tôi hỏi vì sao các tỉnh miền Trung và miền Nam hay chơi hoa cúc vàng vào dịp Tết, thì ông Bền nghệ nhân trồng hoa ở xã Đức Nhuận giải thích: "Trong phong thủy, hoa cúc tượng trưng cho sự trường thọ, tăng thêm phúc phần của mọi gia đình".
Sau đó ông còn tâm sự thêm về câu ngạn ngữ mà nhiều người sành chơi hoa cúc vàng thường quen: "Lá không bao giờ rời cành. Hoa chẳng bao giờ rơi xuống đất". Điều đó tượng trưng cho chí khí người quân tử. Được là một kỳ thảo vì hoa cúc dù có khô, lá và hoa vẫn gắn bó cùng cây. Hoa cúc vàng là màu đại diện cho sự may mắn và tràn đầy sức sống. Hoa có ý nghĩa cát tường, trường thọ nên trong những ngày thường, nhiều người cũng bày hoa cúc trong nhà chứ không cứ vào mùa xuân.
Chính vì quan niệm sâu xa trong đời sống người trồng hoa cúc bên dòng sông Vệ còn nuôi thêm giống cúc Vạn Thọ. Cứ vào đầu tháng Bảy (âm lịch) là họ đã lên giống trồng vào luống. Sau đó đến tháng Tám là vào chậu. Đặc biệt trong thời gian này phải chong đèn thường xuyên cả đêm, không cho cây ngủ để phát triển chiều cao và hãm hoa chậm ra búp.
Trước khi bán ra thị trường trong vòng 55 ngày không dùng đèn nữa thúc cây ra búp và hoa nở đúng vào dịp Tết. Nghe những người trồng hoa kể chuyện mới thấy họ thật vất vả. Ông Bền còn cho biết, hàng năm thương lái Quảng Ngãi và hai tỉnh kề bên là Quảng Nam và Bình Định đã đến đặt cọc tiền. Vào đúng 22 đến 24 Tết là họ đến chở hoa đi bán khắp các chợ.
Cùng chúng tôi đi dọc sông Vệ, con trai ông Bền nở nụ cười tươi rói, sau đó đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ đã thuộc từ thuở còn cắp sách tới trường: "Lũy tre làng bao bọc tuổi thơ tôi. Lúa chao võng, tôi no dòng sữa mẹ. Sông Vệ chở phù sa bồi cho tôi bám rễ. Núi Đất cõng tôi lên đón ánh mặt trời" (Quê mẹ -Hoàng Trần). Một sắc vàng mênh mông ánh lên từ dòng sông. Con nước êm đềm trôi mơ màng trong muôn ngàn sắc hoa.
Những kỷ vật thân thương
Chúng tôi đi thêm mấy cánh đồng hoa nữa là tới ngôi nhà tuổi thơ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ngôi nhà được phục dựng lại trên nền đất cũ. Vẫn là những hàng cột bền bỉ với thời gian. Mái nhà chỉ sửa lại những viên ngói vỡ. Tất cả còn in dấu rêu phong tháng năm dâu bể một đời người.
Không gian thấm đẫm hồn quê. Cây cau giếng nước gợi sự thân tình ấm áp lòng người một thuở bình yên. Đặc biệt bộ ghế cổ đầu rồng của gia đình được bảo tồn nguyên vẹn với những họa tiết khảm trai lấp lánh sắc màu dân gian. Một ngôi nhà bình dị thân thương, nơi lưu dấu những kỷ niệm của người con quê hương đã cống hiến trọn đời cho cách mạng.
Trong gian phòng khách còn lưu bút của cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn làm thơ tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân kỷ niệm ngày sinh: "Tuổi cao nhưng chí còn trai trẻ. Mắt đọc tay biên miệng mỉm cười". Đó chính là hình ảnh sinh động của nhà cách mạng lão thành Phạm Văn Đồng, một học trò xuất sắc và là cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Rời ngôi nhà lưu niệm của gia đình, chúng tôi sang Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở kế bên. Đây là một khu đất rộng khoảng 2ha được xây dựng mấy dẫy nhà với hàng chục hạng mục rất khang trang và bề thế.
Người hướng dẫn viên nói, cho đến nay, khu lưu niệm đã tiếp nhận và trưng bày hơn 500 hiện vật, tư liệu, hình ảnh thể hiện sinh động cuộc đời 75 năm hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đặc biệt trong khu lưu niệm còn có một thư viện lưu giữ 142 đầu sách do cố Thủ tướng viết. Đây là những bài học được tổng kết về các lĩnh vực, trong quá trình 32 năm (1955-1987) lãnh đạo Chính phủ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khu lưu niệm ghi nhận được nhiều ý kiến và chia sẻ của các nguyên thủ quốc gia về công đức và tài năng lãnh đạo của cố Thủ tướng. Trong đó lời điếu văn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã đọc trong lễ truy điệu đồng chí Phạm Văn Đồng (1906-2000) có đoạn: "Đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng qua nhiều giai đoạn. Đồng chí đã suốt đời chăm lo nâng cao tính tiên phong, gương mẫu và sự đoàn kết của Đảng, thắt chặt quan hệ giữa Đảng với nhân dân, trau dồi chí tuệ và rèn luyện phẩm chất cho cán bộ có chức có quyền, thẳng thắn chỉ rõ và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái, biến chất, hết lòng bồi dưỡng và ủng hộ lớp cán bộ trẻ…"
Thật cảm động khi chúng tôi được nhìn thấy chiếc xe đạp mà Thủ tướng đã dùng đi lại trong khuôn viên Phủ Thủ tướng thời còn tại chức. Đó là kỷ vật mà ông giữ mãi cho tới sau này bên cạnh chiếc ôtô mỗi khi đi công tác xa. Còn nữa đó là cặp lồng đựng cơm cùng với chiếc đồng hồ quả quýt và bộ bàn ghế gỗ nhỏ của cố Thủ tướng đã làm mọi người nghẹn ngào xúc động.
Một đời giản dị và thanh bạch, cố Thủ tướng đã để lại lòng yêu thương và tôn trọng của nhân dân cả nước. Ai nấy đều xúc động khi đọc được lời căn dặn của cố Thủ tướng cho con trai trước khi qua đời: "Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ để lại một sự nghiệp để tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, xứng đáng là người sĩ quan của Quân đội ta".
Giai điệu rừng Nà
Đi tiếp dăm cây số hướng về phía Đông, chúng tôi tới rừng Nà, một chiến khu cách mạng năm xưa. Đây là một khu rừng rất lạ và độc đáo của huyện Mộ Đức. Rộng tới hơn 35 ha, nhưng rừng Nà lại ở sát biển và rậm rịt cây cối. Phần lớn rừng ngập trong sình lầy và chỉ cao hơn cánh đồng ruộng chung quanh chừng vài mét. Có nhiều cây to mọc trên những ụ đất cao luôn luôn ríu rít chim ca. Con đường dẫn tới những cơ sở hoạt động cách mạng cũ đều được xây dựng khá quy mô. Từ xa xưa cánh rừng nằm trong vùng tự do nên từ giặc Pháp đến giặc Mỹ đều bị chặn đánh phơi thây rồi bỏ chạy.
Từ năm 1930, rừng Nà đã là căn cứ hoạt động, nơi làm việc bí mật của lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt từ năm 1965, khu rừng được xây dựng thành căn cứ cách mạng của tỉnh cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975). Từ xa một đàn cò hàng trăm con bay về tựa những bông lau trắng bay trên trời. Khu căn cứ cách mạng râm ran suối nguồn âm thanh từ biển cả hòa tan trong tiếng sơn ca hót líu lo. Lá cờ vút cao trên rừng cây phần phật bay trước gió biển. Giai điệu bài ca về những bông hoa bừng lên làm xao động cánh rừng bên bờ biển xanh.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/do-dua-song-ve-nghenh-ngang-571823/