Dở khóc dở cười 'ôm' xe vi phạm
Có đến hàng chục nghìn chiếc xe máy bị tạm giữ để xử phạt vi phạm giao thông đang trở thành gánh nặng, khiến lực lượng chức năng dở khóc dở cười.
Phần lớn trong hàng vạn chiếc xe máy bị bỏ rơi tại các bãi tạm giữ của lực lượng chức năng là xe cũ nát, hoặc xe không rõ nguồn gốc.
Chính vì giá trị thấp, nhiều khi cả chiếc xe không bằng tiền phạt lẫn tiền kho bãi nên chủ nhân sẵn sàng bỏ luôn, không nộp phạt để làm thủ tục nhận lại. Hoặc xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, người vi phạm sợ gặp rắc rối pháp lý cũng sẽ vứt bỏ ngay không tiếc nuối.
Chỉ khổ cho lực lượng chức năng, tạm giữ thì dễ, trả lại thì khó. Với hàng vạn xe máy bị bỏ rơi, chi phí lưu kho bãi chưa biết phải lấy đâu để bù. Đáng lo ngại hơn, việc lưu cữu phương tiện với lượng xăng dầu lớn tập trung tại một vị trí rất dễ xảy ra cháy nổ.
Nếu thiệt hại tài sản của người dân, cán bộ, chiến sĩ phải chịu trách nhiệm. Nhưng ngược lại, những người vi phạm rồi bỏ xe không đến nhận, gây khó khăn cho lực lượng chức năng thì chưa thấy ai bị xử lý đến nơi đến chốn.
Trong khi đó thủ tục để xử lý phương tiện vi phạm giao thông nhưng không có người nhận lại còn rất phức tạp.
Đầu tiên lực lượng chức năng phải xác minh nguồn gốc, nếu tìm được chủ sẽ gửi thông báo nhiều lần, không đến nhận phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được đưa vào bán đấu giá. Quy trình thủ tục để giải phóng được một chiếc xe bị bỏ rơi kéo dài hàng năm, khi đưa ra bán đấu giá được.
Sau nhiều thủ tục liên quan đến quá trình xử lý đấu giá xe vi phạm bị thu giữ không có người nhận đến khi được thực hiện đấu giá thì phần lớn số xe trên đã cũ nát, giá trị thu từ việc thanh lý có khi không đủ để tổ chức đấu giá.
Nếu tiếp tục duy trì quy trình xử lý xe máy bị bỏ rơi sau vi phạm giao thông như hiện nay sẽ dẫn đến sự lãng phí rất lớn về kinh tế, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thiết nghĩ, đã đến thời điểm cần một cơ chế thông thoáng hơn đối với vấn đề này. Những xe bị tạm giữ, chỉ cần sau 30 ngày chủ xe không đến cơ quan chức năng chấp hành nộp phạt nhận lại có thể đưa vào diện thanh lý ngay.
Phân loại xe còn có thể bán đấu giá thì đưa vào khu vực bảo quản riêng, chờ thủ tục phát mại. Xe không đảm bảo điều kiện an toàn hay môi trường thì thanh lý dưới dạng sắt vụn.
Đối với những người vi phạm, khi bị tạm giữ xe phải xuất trình giấy tờ tùy thân để cơ quan chức năng sao lưu hoặc tạm giữ cùng, đề phòng trường hợp sử dụng xe gian, cần phục vụ điều tra.
Tình trạng hàng vạn chiếc xe máy bị bỏ lại tại các bãi tạm giữ đã kéo dài nhiều năm qua, gây không ít khó khăn, thiệt hại cho cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.
Đã đến lúc không thể trù trừ, lãng quên để hình thành những nghĩa địa xe máy gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và rủi ro pháp lý lâu hơn nữa.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/do-khoc-do-cuoi-om-xe-vi-pham.html