Dở khóc dở cười vì phạt nguội
Nhiều rủi ro cho các đơn vị cho thuê xe tự lái khi thông báo vi phạm giao thông qua hệ thống giám sát bằng camera được gửi về chậm.
Thông tin nhiều tuyến đường từ nội đô đến cao tốc, quốc lộ đã và đang được lắp đặt thêm nhiều camera giám sát giao thông để xử lý vi phạm giao thông thông qua hình ảnh khiến nhiều đơn vị cho thuê xe lo lắng. Mặc dù ủng hộ việc giám sát giao thông bằng công nghệ này nhưng không ít người còn băn khoăn bởi quy trình gửi thông báo vi phạm còn chậm dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị cho thuê xe phải lĩnh hết “hậu quả”.
Nơm nớp lo “dính” phạt nguội
Anh Nguyễn Phúc Long, chủ một đơn vị cho thuê xe tự lái, chia sẻ trên một nhóm mạng xã hội cho biết anh cho khách hàng thuê xe tự lái vào ngày 23-3, đến ngày 30-3 anh bất ngờ nhận được thông báo vi phạm giao thông qua hình ảnh. Ngay sau đó anh đã liên hệ với khách hàng nhưng không được dù trong hợp đồng có ghi rõ các thông tin về CMND, bằng lái, số điện thoại… Theo thông báo, khách hàng của anh vi phạm lỗi chạy quá tốc độ 78/60 km/giờ. Với lỗi này, mức phạt sẽ là 3-5 triệu đồng.
Ông Chu Phát Đạt, Giám đốc một công ty cho thuê xe tự lái, cho biết hiện nay các doanh nghiệp thường xuyên phải đóng phạt thay cho người thuê. Theo ông Đạt, dù trong hợp đồng có thỏa thuận ràng buộc với khách hàng về vấn đề phạt nguội, tuy nhiên do thông báo phạt nguội thường gửi về khá chậm, từ nửa tháng đến một tháng nên rất khó yêu cầu khách hàng quay lại đóng phạt.
Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng khi đơn vị cho thuê xe nhận được thông báo vi phạm nhưng trên hệ thống phạt nguội lại chưa cập nhật dẫn đến việc khách hàng không chấp nhận đóng phạt. “Thông báo vi phạm đã chậm mà cập nhật lên hệ thống còn chậm hơn, thậm chí không được cập nhật. Do vậy, đến khi đăng kiểm chúng tôi mới biết xe mình vi phạm, khi đó chúng tôi phải tự đi đóng phạt” - ông Đạt nói.
Nhiều đơn vị cho thuê xe tự lái cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi cho thuê xe với giá 600.000 đồng/ngày nhưng đến khi nộp phạt có mức phạt lên đến 4 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung là giữ bằng lái xe. “Một xe cho thuê lợi nhuận khoảng 20% mà dính phạt nguội sẽ bị lỗ” - một đơn vị chia sẻ.
Ràng buộc khách hàng bằng hợp đồng
Trước những rủi ro từ phạt nguội, nhiều đơn vị cho thuê xe tự lái đành phải giữ tiền cọc của khách hàng 5-10 triệu đồng. “Thực tế chúng tôi đã đề xuất “giam” tiền nửa tháng nhưng biện pháp này không khả thi vì nếu giữ tiền của khách hàng thì họ chỉ thuê lần một lần và sẽ không quay lại” - ông Đạt cho hay.
Trao đổi với PV, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trong hợp đồng cho thuê xe tự lái thường có thông tin của người thuê xe, tuy nhiên điều đó không có nghĩa người này ở cố định một địa chỉ đã nêu trong hợp đồng, vì vậy khi nhận thông báo về phạt nguội chưa chắc đã liên hệ được với người thuê.
Theo luật sư Tuấn, đối với những loại xe cho thuê xe tự lái, quyền và nghĩa vụ của hai bên từ ngày nào đến ngày nào thì người thuê xe sẽ phải chịu trách nhiệm, điều khoản này phải nêu rõ trong hợp đồng. Sau thời hạn khách hàng trả xe, người cho thuê cần giữ một khoản cọc lại thời hạn khoảng 15 ngày sau sẽ trả lại cho khách. Thời điểm này chủ sở hữu phải kiểm tra trên hệ thống hành chính để kiểm tra trên lộ trình người thuê xe đi có bị phạt hay không. “Đây là trách nhiệm và quyền lợi của người cho thuê, nếu không làm thì phải chịu đóng phạt” - luật sư Tuấn nói.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, trên thế giới hiện nay đối với hình thức cho thuê xe tự lái sẽ ràng buộc trách nhiệm thuộc về người thuê ngay trong hợp đồng. Khi có biên bản xử phạt hành chính đối với xe vi phạm, chủ xe chỉ cần báo thông tin người thuê xe cho CSGT, sau đó giao trách nhiệm xử phạt cho CSGT với người thuê.
“Ở Việt Nam không có quy định này thì chủ xe có quyền yêu cầu đặt cọc hoặc kiện nhau ra tòa giải quyết nếu không thỏa thuận được. Đơn vị cho thuê xe có dịch vụ tốt thì khách hàng sẽ quay lại lần sau và không sợ bị mất khách” - ông Đồng nói.•
Tài xế nhận 5 thông báo vi phạm cùng lúc
Anh Hoàng Thanh Tùng (Đồng Nai) chia sẻ tết 2021 cả gia đình anh quyết định tiết kiệm tiền nên lái ô tô về quê ăn tết, tuy nhiên khi trở về nhà, gia đình anh đã nhận được hàng loạt thông báo vi phạm giao thông qua hình ảnh của công an tỉnh Bình Thuận. Với các lỗi vi phạm theo thông báo, tổng số tiền anh sẽ phải đóng phạt là hơn 15 triệu đồng.
Anh Nông Văn Đức, một tài xế chạy đường dài, cũng cho biết tuyến quốc lộ 1 mới gắn camera xử phạt nguội nhưng nhiều tài xế không để ý do vậy một cung đường có tài xế đã vi phạm nhiều lỗi khác nhau. Theo anh Đức, đầu năm 2021, anh đã nhận năm thông báo vi phạm giao thông qua hình ảnh trên tuyến quốc lộ 1, trong đó bao gồm các vi phạm về việc chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt đèn đỏ... Đ.TRANG
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/do-khoc-do-cuoi-vi-phat-nguoi-977766.html