Đó là việc xâm hại pháp luật nghiêm trọng!
Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh khi đang thụ hình tiếp tục bị khởi tố ở một vụ án khác, ông bị truy tố về hành vi ra quyết định trái pháp luật là cho phép bán đấu giá số gỗ trắc là tang vật của vụ án 'buôn lậu'.
Trở lại với kỳ án này vào năm 2013 với các diễn tiến nhằm thanh lý số gỗ này bằng cái giá rất rẻ so với thị trường thì thấy rõ là những người có chức vụ trong cơ quan tố tụng nóng lòng muốn thanh lý ngay số hàng này.
Có vẻ tất cả diễn ra đúng quy trình, quy định với các công văn trao đi, đổi lại, bút phê của Thủ trưởng,... nhưng điều cốt tử nhất là thực thi theo đúng pháp luật là không được bán tang vật vụ án thì họ không làm. Đặc biệt, ý kiến kết luận từ hội nghị tư pháp liên ngành Trung ương là không được bán số gỗ này đã bị phớt lờ.
Cho đến nay, những người chỉ đạo và trực tiếp thi hành việc bán tang vật là số gỗ này thì người vào tù, người bị kỷ luật mới lộ diện ra những hành vi trái pháp luật của những cán bộ thực thi pháp luật mà không ai dám ngăn cản, đồng thời, các thông tin bị ém nhẹm.
Mới đây, một loạt các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật. Đáng chú ý là trong đó có Giám đốc Công an Đồng Nai và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Ông Hồ Văn Năm - nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai (vừa bị cách chức ngày 10/9) bị xem xét kỷ luật bởi các hành vi vi phạm từ khi ông giữ cương vị Viện trưởng Viện KSND tỉnh này đã có những tác động trái pháp luật vào các bản án.
Công an và Kiểm sát, hai ngành chức năng quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ pháp luật mà có những lãnh đạo dùng quyền thế của mình can thiệp trái pháp luật vào công việc điều tra, phá án, buộc tội, xét xử... thì làm sao công lý được thực thi. Đó là việc xâm hại pháp luật nghiêm trọng, phá hủy sự nghiêm minh cần phải có và đó chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự mất niềm tin của nhân dân vào một bộ phận tham gia bộ máy công quyền, thực thi pháp luật.
Những gì xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gần đây là sự phản ảnh rất rõ ràng những hệ lụy do các cán bộ biến chất ngành bảo vệ pháp luật gây ra, điển hình là việc “giang hồ”, “xã hội đen” bất chấp pháp luật tham gia vào các hoạt động phi pháp như “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, can thiệp và gây xung đột trong các vụ tranh chấp đất đai, bảo kê kinh doanh, buôn bán, gây bất an cho đời sống xã hội…
Hậu quả lớn nhất mà các cán bộ ngành bảo vệ pháp luật gây ra là làm mất đi sự tôn nghiêm pháp luật; có thể khiến người dân mất niềm tin vào pháp luật và hơn tất cả là làm xã hội bất an, đời sống nhân dân bị đe dọa. Bởi vậy việc xử lý nghiêm những cán bộ ngành bảo vệ pháp luật sẽ củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.