Đo lường đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân

Đo lường (ĐL) là một lĩnh vực khoa học kĩ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, quốc phòng- an ninh. ĐL thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khỏe và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lí nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế.

 Kiểm định đồng hồ đo nước lạnh ở Chi cục TC, ĐL, CL tỉnh. Ảnh: TCL

Kiểm định đồng hồ đo nước lạnh ở Chi cục TC, ĐL, CL tỉnh. Ảnh: TCL

Ý thức được vai trò to lớn của hoạt động ĐL đối với sự phát triển của nền kinh tế, cách đây 70 năm, ngày 20/1/1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh 08/SL ban hành đơn vị ĐL hợp pháp, trong đó quy định thống nhất ĐL nước ta theo hệ mét, là hệ ĐL khoa học và tiên tiến trên thế giới. Đây là văn bản luật pháp đầu tiên về ĐL của chính quyền cách mạng nước ta. Sắc lệnh 08/SL đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa công tác ĐL của nước ta hội nhập vào dòng chảy của văn minh và tiến bộ trên thế giới và điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành ĐL Việt Nam. Ghi nhớ dấu mốc lịch sử đầu tiên về đo lường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20/1 hằng năm làm “Ngày Đo lường Việt Nam”.

Ở Quảng Trị, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hoạt động ĐL thường xuyên được củng cố về tổ chức, trang bị các chuẩn ĐL, trang thiết bị và đào tạo nguồn lực về con người để nâng cao năng lực kiểm định, hiệu chuẩn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh, đồng thời phục vụ tốt công tác quản lí nhà nước trên địa bàn.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TC, ĐL, CL) tỉnh đã tham mưu Sở KH&CN trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CTUBND ngày 9/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lí nhà nước về ĐL trên địa bàn tỉnh nhằm sự phối hợp đồng bộ về quản lí ĐL giữa Sở KH&CN với các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố; tăng cường các biện pháp kiểm soát về ĐL đối với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trong công tác quản lí ĐL trên địa bàn tỉnh; Quyết định 2294/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh về triển khai chương trình nâng cao năng lực quản lí ĐL cấp huyện và quản lí chất lượng, nhãn hàng hóa tại các chợ nông thôn giai đoạn từ năm 2015-2020 trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cấp huyện, thị xã, tiến đến phân cấp quản lí nhà nước về ĐL.

Công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức như phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tổ chức tuyên truyền trên Báo Quảng Trị và Đài PTTH tỉnh; phổ biến thông qua các lớp tập huấn, công văn hướng dẫn, trong các đợt thanh, kiểm tra đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng một số văn bản về hoạt động ĐL như: Luật Đo lường; Nghị định số 86/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đo lường; Nghị định số 105/2016/NĐCP của Chính phủ quy định điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn ĐL; Quyết định 996/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động ĐL để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và nhiều văn bản QPPL khác có liên quan...

Sở KH&CN đã đầu tư cơ sở vật chất về ĐL cho các phòng thử nghiệm; cho cấp huyện, cấp xã như: Hỗ trợ trang bị trạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh và các quả cân chuẩn phục vụ công tác quản lí ĐL. Đến nay, các huyện đã trang bị được 38 trạm cân đối chứng, là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mua bán, thanh toán.

Về năng lực kiểm định của các tổ chức kiểm định tại Quảng Trị đáp ứng 80% yêu cầu kiểm định của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Có khả năng kiểm định được các phương tiện đo (PTĐ) có số lượng lớn như: Đồng hồ đo nước lạnh; công tơ điện xoay chiều 1 pha; công tơ điện xoay chiều 3 pha; cột đo xăng dầu; taximet, cân phân tích, cân kĩ thuật, cân bàn, cân đĩa, cân đồng hồ lò xo, cân ô tô, PTĐ dung tích thông dụng, ca đong, bình đong, thùng đong, áp kế lò xo, huyết áp kế lò xo, huyết áp kế thủy ngân, PTĐ điện tim, PTĐ điện não và 2 hoạt động hiệu chuẩn ĐL (quả cân cấp chính xác M1, bình chuẩn kim loại) và chứng nhận 44 chuẩn ĐL để kiểm định PTĐ. Hằng năm, trên địa bàn bình quân kiểm định được 57.805 PTĐ các loại , trong đó: Trung tâm Kĩ thuật TC, ĐL, CL thực hiện 9.079 PTĐ các loại; Trung tâm thí nghiệm điện Quảng Trị thuộc Công ty TNHH MTV thí nghiệm điện Miền Trung thực hiện 36.377 PTĐ; Trung tâm Kiểm định đồng hồ và chống thất thoátCông ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị kiểm định 12.349 đồng hồ nước. Số lượng PTĐ được kiểm định tăng dần theo hằng năm.

Đối với công tác quản lí ĐL lượng hàng đóng gói sẵn, chi cục cũng đã xây dựng quy trình chứng nhận đủ điều kiện và công bố sử dụng dấu định lượng trên hàng đóng gói sẵn. Chi cục đã tiếp nhận 2 hồ sơ công bố sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói và cấp 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn đối với 2 loại sản phẩm. Đồng thời, chi cục hướng dẫn 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh về ghi lượng và định lượng hàng đóng gói sẵn. Thông qua hoạt động này, vai trò quản lí ĐL trong hàng đóng gói sẵn của chi cục ngày càng được khẳng định, doanh nghiệp kiểm soát được hàng hóa đóng gói.

Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra về ĐL cũng được chi cục tiến hành đúng quy định, góp phần tăng cường hiệu lực trong việc quản lí ĐL. Các cuộc thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lí nhiều hành vi vi phạm về ĐL, góp phần đáng kể trong việc ngăn chặn hàng giả, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, đảm bảo trật tự trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh, Chi cục phó Chi cục TC, ĐL, CL tỉnh Lê Hồng Tiên cho biết: “Hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, nâng cao năng lực và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển nền kinh tế được chính xác hơn, và trong các giao dịch kinh tế của người dân cũng hạn chế nhiều sự vi phạm”.

Thời gian tới, Chi cục TC, ĐL, CL tỉnh tập trung phối hợp và tổ chức hoạt động của các cơ quan quản lí nhà nước về ĐL từ cấp tỉnh đến địa bàn huyện, xã một cách sâu rộng, hợp lí và hiệu quả hơn; xây dựng được một hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn hiệu lực hơn để ĐL được thống nhất, chính xác phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ tại các trung tâm thương mại, điểm buôn bán nhỏ lẻ... sử dụng PTĐ nhóm 2, hàng đóng gói sẵn, phép đo trong thương mại bán lẻ... để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản về ĐL đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh… Chi cục TC, ĐL, CL tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát triển và mở rộng khả năng kiểm định, hiệu chuẩn các PTĐ, chuẩn ĐL để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145435