Đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP
Ngày 4/12, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh và một số sở, ngành.
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước là tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra so với tổng sản phẩm trong nước trong kỳ báo cáo. Để đo lường chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, tham vấn chuyên gia của các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong nước để tìm ra phương pháp tối ưu. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện kết quả tính toán chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP giai đoạn 2020 - 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, việc xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường quy mô kinh tế số và đánh giá mức độ chuyển đổi số phù hợp thực tế hoạt động của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế là một trong những yêu cầu cơ bản; bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đây là vấn đề mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về những cơ sở pháp lý, nguồn thông tin và đề xuất đo lường kinh tế số ở Việt Nam. Những hạn chế và giải pháp hoàn thiện đo lường giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP. Về kết quả tính toán thử nghiệm kinh tế số theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về nguồn thông tin, phạm vi, phương pháp và kết quả đo lường. Kết quả tính toán thử nghiệm sơ bộ của Tổng cục Thống kê theo cho thấy, tốc độ tăng trưởng của kinh tế số giai đoạn 2019 - 2022 lần lượt là 6,3%, 11,27%, 7,07% và 7,3%.
Tin, ảnh: PV-CTV