Độ mặn trên kênh, rạch tại Mộc Hóa, Thạnh Hóa còn ở mức cao

Hiện nay, tại tỉnh Long An, độ mặn trên sông Vàm Cỏ Tây thuộc hai huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa giảm một ít so với trước đây. Tuy nhiên, độ mặn trên hệ thống kênh, rạch nội đồng của 2 địa phương này còn ở mức cao.

Xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa tích cực thông tin để nông dân chủ động lấy nước sản xuất

Xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa tích cực thông tin để nông dân chủ động lấy nước sản xuất

Theo số liệu đo đạc của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộc Hóa ngày 24/4, độ mặn trên đầu kênh 02/9 là 1,1g/l; bến đò Hồng Đức - sông Vàm Cỏ Tây là 0,4g/l; cầu Quảng Cụt 0,3g/l.

Số đo tại các kênh nhánh nối với sông Vàm Cỏ Tây tại vị trí cầu Lò Gạch, xã Bình Hòa Đông là 01g/l; trụ sở ấp 4, xã Bình Hòa Đông là 0,9g/l; Vàm Sẻo Sắn 0,8g/l; kênh 79 là 0,8g/l. Độ mặn tăng trung bình so với ngày 23/4 khoảng 0,2g/l.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mộc Hóa, nhìn chung, chất lượng nước và độ mặn tại các sông lớn có giảm. Tuy nhiên, các tuyến kênh nhánh còn ở mức cao, chính vì thế, khi trời nắng nóng, thời tiết hanh khô không có mưa và triều cường dâng cao thì độ mặn có thể tăng cao trong thời gian tới. Trung tâm đề nghị nông dân khi lấy nước vào ruộng cần theo dõi sát chất lượng nước. Độ mặn thích hợp để bơm tưới cho cây trồng và sạ lúa là dưới 01g/l.

Dự báo trong vài ngày tới, độ mặn có thể tăng cao và lấn sâu vào nội đồng. Trung tâm đề nghị UBND các xã thông báo để nông dân lấy mẫu nước chuẩn bị gieo sạ.

Hiện UBND xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa đang tích cực thông báo tình hình độ mặn tại các tuyến kênh, rạch nội đồng để nông dân chủ động lấy nước cho mùa vụ sắp tới. UBND xã khuyến cáo người dân chưa nên gieo sạ vì độ mặn có thể tăng trong vài ngày tới. Tuy nhiên, tại một số vùng gò cao giáp xã Bình Hòa Tây, nông dân cũng đã bắt đầu mùa vụ, chủ yếu là sạ lúa nếp với diện tích không nhiều (khoảng 60ha).

Độ mặn tại huyện Thạnh Hóa còn cao (trong ảnh: Kênh La Khoa, xã Tân Đông)

Độ mặn tại huyện Thạnh Hóa còn cao (trong ảnh: Kênh La Khoa, xã Tân Đông)

Còn theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi, độ mặn đo được ngày 24/4 trên địa bàn huyện Thạnh Hóa như sau: Tại cầu La Khoa (xã Tân Đông) là 6g/l; cầu Bến Kè, xã Thủy Đông 4,1g/l; tại ngã ba Tuyên Nhơn 3,9g/l; tại cầu An Xuyên, xã Thuận Nghĩa Hòa là 3,7g/l; tại kênh Xáng, xã Thạnh Phú 3,2g/l; tại kênh Ma Reng, xã Thạnh Phú là 2,9g/l; tại kênh Tắc, xã Thạnh Phước 2,4g/l; tại kênh 2/9 xã Thạnh Phước 1,3g/l.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Do độ mặn trên kênh, rạch và sông Vàm Cỏ Tây khu vực huyện Thạnh Hóa ngày 24/4 còn cao, do đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chúng tôi đề nghị người dân tích cực chuẩn bị vệ sinh đồng ruộng; khi độ mặn trên sông, kênh, rạch giảm thì mới gieo sạ. Dự kiến lịch gieo sạ tại huyện Thạnh Hóa vào đợt 2 từ ngày 13/5 - 23/5”.

Ngày 24/4, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi Long An cũng khuyến cáo nông dân cần tuân thủ lịch xuống giống và gieo sạ của địa phương, không nên gieo sạ sớm vụ Hè Thu. Đồng thời, không nên lấy nước vùng đã bị nhiễm mặn, tăng cường tích trữ nước vào kênh, rạch, ao, đìa trước khi mặn xâm nhập.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo: Các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa Hè Thu hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ Đông Xuân ít nhất 3 tuần; rà soát bản đồ cơ cấu mùa vụ, khuyến cáo nông dân xuống giống phù hợp với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm và theo lịch né rầy.

Dự kiến thời vụ xuống giống các vùng:

+ Đợt 1: Từ 15/4 - 25/4 (Dương lịch) tại các vùng trũng thấp thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười không bị nhiễm mặn.

+ Đợt 2: Từ 13/5 - 23/5 (Dương lịch) tại tất cả huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

+ Đợt 3: Từ 13/6 - 25/6 (Dương lịch) tại các vùng không chủ động nguồn nước các huyện phía Nam và lúa Thu Đông các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Những vùng bị nhiễm mặn, trước khi gieo sạ cần chú ý công tác cày xới rửa mặn; các vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng chủ yếu là nước mưa thì kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại./.

Đ.Lâm

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/do-man-tren-kenh-rach-tai-moc-hoa-thanh-hoa-con-o-muc-cao-a94303.html