Đỏ mắt hóng giảm 50% lệ phí trước bạ, người mua ô tô vỡ mộng
Cách đây ít ngày, Bộ Tài chính đã đề xuất không thực hiện giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước sau khi phân tích các ưu, nhược điểm của việc này…
Không ít người tiêu dùng đang loay hoay và không khỏi bất ngờ trước thông tin Bộ Tài chính đã xin rút đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.
Đề xuất này đã từng được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí mua ô tô cho người dân, nhưng với sự thay đổi này, nhiều người đang phải suy nghĩ lại về quyết định mua sắm và đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh chính sách thuế này.
LO VI PHẠM CAM KẾT QUỐC TẾ VÀ ĐI NGƯỢC XU HƯỚNG
Chính sách giảm lệ phí trước bạ được áp dụng nhằm kích cầu thị trường và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nội địa phát triển mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, Bộ Tài chính đã 3 lần đề xuất giảm lệ phí trước bạ và được thông qua trong khoảng thời gian 6 tháng.
Cuối tháng 4/2024, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vào ngày 17/7, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ, đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ.
Được biết, chính sách giảm lệ phí trước bạ sẽ ảnh hưởng tới việc thu ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 3 lần thực hiện giảm lệ phí trước bạ những năm qua, số tiền giảm thu ngân sách lần lượt là 7.314 tỷ đồng, 7.896 tỷ đồng và 5.238 tỷ đồng.
Nếu thực hiện giảm lệ phí trước bạ lần thứ 4, Bộ ước tính việc làm này có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 867 tỷ đồng/tháng, tương đương trong 6 tháng là 5.202 tỷ đồng.
Trong đề xuất mới đây, lý do cân nhắc không thực hiện giảm lệ phí trước bạ được Bộ Tài chính đưa ra là việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang.
Cụ thể, chính sách thuế, phí và lệ phí hiện đang được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước được đánh giá là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA.
Bộ Tài chính cũng cho hay, trong thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần nhận được yêu cầu giải thích chính sách này khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ quốc gia khác.
Tuy nhiên, chính sách giảm lệ phí trước bạ không thuộc trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư và một quốc gia, vì vậy mà khả năng khiếu kiện, khiếu nại có thể xảy ra nhưng được đánh giá là không quá căng thẳng.
Bên cạnh lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng hoạt động giảm lệ phí trước bạ sẽ thúc đẩy doanh số các loại xe xăng, dầu là tất yếu, điều này có khả năng đi ngược với xu hướng “xanh hóa” phương tiện giao thông.
Cùng với đó, “Chiến lược Giao thông xanh” trong Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra các chỉ tiêu quan trọng, trong đó bao gồm việc tăng tỷ trọng phương thức vận tải sử dụng điện và năng lượng xanh, bắt đầu từ năm 2025.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện liên tục trong những năm gần đây đã tạo ra một lo ngại đi ngược với các mục tiêu đã đặt ra về “giao thông xanh”.
NGƯỜI MUA LOAY HOAY XOAY SỞ
Trong 3 lần giảm lệ phí trước bạ những năm gần đây, người mua ô tô đã tiết kiệm được một phần chi phí, mặc dù không quá lớn. Hiện, lệ phí trước bạ cho ô tô dao động từ 10 đến 12% tùy loại xe, nhờ vào chính sách giảm mà người dùng có thể “đút túi” được một khoản tiền.
Chẳng hạn, mẫu Hyundai Tucson phiên bản máy xăng hiện đang có giá khoảng 765 triệu đồng. Khi chủ xe đăng ký phí trước bạ tại Hà Nội, họ sẽ phải chi trả mức phí là 12%, tức là khoảng 91,8 triệu đồng. Nếu áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, chủ xe sẽ tiết kiệm được gần 46 triệu đồng.
Một đại lý ô tô tại Hà Nội chia sẻ rằng, chính sách giảm lệ phí trước bạ từ trước tới nay luôn luôn tác động tới tâm lý mua xe của người dân. Mặc dù nhiều hãng xe đã liên tục đưa ra các đợt giảm giá và nhiều ưu đãi khuyến mại, nhưng việc Bộ Tài chính rút lại đề xuất giảm lệ phí trước bạ đã khiến nhiều người tiêu dùng loay hoay, không biết xoay sở ra sao.
Không ít người mua xe đã đặt cọc từ tháng 6, đến đầu tháng 7 nhận xe nhưng đã cố chờ sang tháng 8 mới nhận ô tô để tiết kiệm phí trước bạ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khá đông người dùng vẫn không biết phí trước bạ có được giảm hay không.
Quyết định chậm đăng ký xe với hy vọng chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực sẽ khiến khách hàng mua xe đối diện với nguy cơ bị xử phạt vì chưa tiến hành đăng ký biển số.
Bên cạnh đó, các trường hợp đã mua xe nhưng đang chậm hoàn tất thủ tục đăng ký cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ bị xử phạt do vi phạm quy định của pháp luật.
Bởi, căn cứ vào Thông tư 24/2023 của Bộ Công an, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định.
Thế nhưng, trong khoảng 2 tháng gần đây, vẫn có người dùng quyết định nộp phạt chậm giải ngân số tiền vay ngân hàng để mua xe với đại lý để nhờ giữ xe và chờ hưởng ưu đãi từ nhà nước.
Nhân viên tư vấn bán xe tại một showroom trên đường Lê Quang Đạo, Hà Nội cho hay, lượng lớn khách hàng đã đặt cọc xe từ rất sớm và bỏ ra chi phí gửi xe tại bãi, sẵn sàng nộp phạt để tiết kiệm được một khoản. Với tình hình hiện tại, nhân viên tư vấn này cho biết nhiều khách hàng đang phải đau đầu tính toán.