Đỏ mắt tìm giáo viên (Bài cuối: Giải pháp cân bằng giáo viên giữa các bậc học)

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ là câu chuyện muôn thuở, tồn tại trong nhiều năm qua. Nhiều huyện, thành thị đã thực hiện giải pháp điều hòa giáo viên giữa các bậc học, trong vùng.

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ là câu chuyện muôn thuở, tồn tại trong nhiều năm qua. Nhiều huyện, thành thị đã thực hiện giải pháp điều hòa giáo viên giữa các bậc học, trong vùng.

Năm học 2019-2020, toàn huyện Yên Thành đang thừa hơn 100 giáo viên THCS nhưng lại thiếu 138 giáo viên Tiểu học. Trước thực tế này, ngành giáo dục đã cử 85 giáo viên THCS biệt phái xuống dạy cấp tiểu học. Đây là giải pháp điều hòa tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn.

Nhóm trẻ mầm non 3-4 tuổi mới đáp ứng được 1,6 giáo viên/lớp.

Nhóm trẻ mầm non 3-4 tuổi mới đáp ứng được 1,6 giáo viên/lớp.

Giáo viên THCS biệt phái xuống dạy cấp tiểu học

Điển hình, Trường Tiểu học Hợp Thành có 2 giáo viên chuyển từ bậc THCS xuống dạy học ở bậc tiểu học là thầy Cao Đức Thắng (GV môn Thể dục) và thầy Phạm Công Thành (GV môn Lịch sử). Đối với thầy Thắng, nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới khá thuận lợi do không phải dạy trái chuyên môn. Tuy nhiên, việc bố trí cho thầy Thành đứng lớp bậc tiểu học lại gặp nhiều khó khăn bởi giáo viên tiểu học dạy tất cả các môn văn hóa trong khi chuyên môn đào tạo của thầy chỉ là môn Lịch sử. Không chỉ huyện Yên Thành mà các huyện có số lượng học sinh lớn như Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳnh Lưu... cũng được cử biệt phái, luân chuyển từ THCS xuống Tiểu học.

Cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành cho biết: Để đảm bảo chất lượng dạy học và phù hợp với năng lực của giáo viên, chúng tôi phân công thầy Thành chủ nhiệm lớp 5, đồng thời phụ trách toàn bộ môn Khoa học - Lịch sử - Địa lý của khối này. Mặt khác, các giáo viên khác của khối 5 sẽ chia nhau dạy các môn Toán, Tiếng Việt... cho lớp thầy Thành chủ nhiệm. Nhà trường phải làm công tác tư tưởng, tổ chức họp và thông báo, giải thích cụ thể cho phụ huynh. Đến nay, sau gần 1 tháng thực hiện, hoạt động dạy - học của khối 5 đã đi vào nề nếp, cơ bản ổn định. Cũng theo cô Trần Thị Đa, mặc dù việc điều chuyển giáo viên đi biệt phái sẽ giải quyết được khâu trước mắt về tình trạng thiếu giáo viên nhưng đây cũng không phải là giải pháp mang tính bền vững, vì hết hạn biệt phái các giáo viên này lại quay về THCS. Thay vào đó nên có cơ chế tuyển dụng đặc cách số giáo viên chuyên môn tiểu học đang dạy hợp đồng.

Thiếu gần 4.200 giáo viên

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An, đến năm 2019, toàn tỉnh thiếu gần 4.200 giáo viên. Trong đó, thiếu hơn 2.400 giáo viên tiểu học và 1.700 giáo viên mầm non.

Ở bậc mầm non, theo quy định của ngành, phải bố trí đủ giáo viên cho các nhóm nhà trẻ và mẫu giáo. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện ở Nghệ An không đáp ứng đủ. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ không chỉ xảy ra ở các huyện miền núi mà cả ở các huyện đồng bằng. Riêng huyện Nam Đàn hiện đang thiếu gần 150 giáo viên tiểu học và mầm non. Đối với tiểu học, huyện đã thực hiện điều hòa nội bộ bằng cách chuyển giáo viên từ THCS xuống Tiểu học, tổ chức dạy liên trường đối với môn năng khiếu và Tiếng Anh, Tin học. Bên cạnh đó, một số giáo viên đăng ký học thêm văn bằng hai để dạy thêm môn. Năm học này, Nam Đàn được giao thêm hơn 30 chỉ tiêu Tiểu học nên Phòng giáo dục và đào tạo huyện này đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng.

Còn huyện Thanh Chương hiện đang thiếu 30 giáo viên tiếng Anh khiến việc tổ chức dạy theo chương trình 10 năm gặp nhiều khó khăn, trong đó có 3 trường tiểu học hoàn toàn không có giáo viên tiếng Anh nên học sinh không được học, hoặc phải đưa giáo viên từ THCS xuống dạy kiêm nhiệm. Huyện Thanh Chương cũng đang xây dựng phương án hợp đồng giáo viên thỉnh giảng để tổ chức dạy học cho học sinh.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Đầu năm học Sở đã báo cáo gửi Bộ GD&ĐT để tham mưu chính phủ cho Nghệ An thêm định biên giáo viên nhưng chưa được duyệt. Theo thống kê và dự báo quy mô học sinh, hiện nay lứa tuổi tiểu học của Nghệ An là đông nhất. Tuy nhiên, sau 2 - 3 năm nữa, số học sinh này sẽ lên THCS, còn số học sinh mầm non lên tiểu học ổn định không tăng đột biến. Đến thời điểm đó, tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các bậc học này không xảy ra mà trở lại trạng thái cân bằng.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_214864_do-mat-tim-giao-vien-bai-cuoi-giai-phap-can-bang-giao-vien-giua-cac-bac-hoc-.aspx