Đỏ mắt tìm tài năng Việt kiều

Thành công lần đầu tiên và là đại diện Đông Nam Á duy nhất vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026 của Indonesia là từ chính sách khai thác nguồn ngoại lực (từ năm 2022, Indonesia đã nhập tịch 12 cầu thủ mang dòng máu lai). Ở trận lượt về thắng Việt Nam 3-0, Indonesia xuất phát với 6/10 cầu thủ nhập tịch.

Cuộc cạnh tranh trong khung thành ĐTVN giữa 2 thủ môn Việt kiều.

Cuộc cạnh tranh trong khung thành ĐTVN giữa 2 thủ môn Việt kiều.

Philippines cũng ra sân Mỹ Đình với 10/11 gương mặt đang thi đấu ở nước ngoài và 2 cái tên sinh ra tại Đức đã ghi bàn.

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến trào lưu nhập tịch cầu thủ, có điều đó không phải là chủ trương ở thượng tầng, mà từ các câu lạc bộ (CLB). Để tăng suất ngoại binh ở V.League, các đội đua nhau cho các “ông Tây” nhập tịch. Tất nhiên, kèm theo đó là những điều kiện đãi ngộ, lót tay. Ước tính có khoảng 30 ngoại binh trở thành nội binh, nhiều nhất là gốc Brasil và Nigeria (hiện chỉ còn 2 người vẫn thi đấu ở V.League là Hoàng Vũ Samson (Quảng Nam) và Kizito Trung Hiếu (B.Bình Dương).

Năm 2008, dưới thời huấn luyện viên Calisto, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) có sự xuất hiện của cầu thủ nhập tịch trong trận giao hữu với đội tuyển Olympic Brasil: thủ môn gốc Brasil Phan Văn Santos (Đồng Tâm Long An). Sau đó thêm 3 cái tên: thủ môn Đinh Hoàng La (Ukraine), tiền đạo Đinh Hoàng Max (Nigeria) và Huỳnh Kesley (Brasil, có vợ Việt Nam). Nhưng có lẽ thấy phản cảm với hình ảnh “ông Tây đen” khoác áo đội tuyển quốc gia, cánh cửa đội tuyển đóng sập luôn với ngoại binh nhập tịch.

Còn với cầu thủ Việt kiều? Mãi đến năm 2012 mới có trường hợp đầu tiên Mạc Hồng Quân từ Cộng hòa Czech về khoác áo đội tuyển U.22 (thật ra anh mới đi đoàn tụ gia đình 2 năm trước đó); năm 2015, hậu vệ Đặng Văn Robert (Slovakia) được gọi vào ĐTVN. 2 năm sau, thủ môn Đặng Văn Lâm mới tìm được chỗ đứng ở ĐTVN, mới nhất thêm Nguyễn Filip. Hết, và tất cả đều về từ Đông Âu!

Để khuyến khích cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu, qua đó có điều kiện nhập tịch, từ mùa giải 2023, V.League cho phép mỗi CLB được một suất cầu thủ có gốc gác Việt ở nước ngoài; nhưng không có một gương mặt nào nổi bật, thậm chí còn chưa tìm được vị trí chính thức ở CLB. Emil Lê Giang là ví dụ tiêu biểu về một cầu thủ Việt kiều có CV “hoành tráng”: từng là đội trưởng U.15, U.16, U.17 Slovakia, chơi bóng ở Đức, nhưng lại không thuyết phục được quê nội. Những Martin Lo, Ryan Ha, Viktor Le, Le Viktor… hiện còn chật vật tìm chỗ đứng ở CLB.

Báo chí thỉnh thoảng lại hào hứng “Lộ diện cầu thủ Việt kiều”, nào Kelvin Bùi, Julien Nguyễn, Lê Desurmon, Alex Bui, Danny Reids, Damien Vu Thanh, Andrej Anh Khánh (U.19 Cộng hòa Czech)... Mới nhất là “thần đồng Việt kiều Đức” 18 tuổi Ibrahim Maza (có mẹ người Việt, cha Algeria) ghi bàn cho U.19 Đức trước U.19 Croatia, giá trị chuyển nhượng từ 600 ngàn euro tăng vọt lên 1,5 triệu euro (hơn 40 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, tất cả chỉ là “nghe nói”, chưa ai được “mục sở thị”, bởi VFF chưa có một chiến lược săn tìm, thu hút cầu thủ Việt kiều đang chơi bóng ở nước ngoài. Và cũng phải nói thẳng, những ngôi sao đẳng cấp có dòng máu Việt như cựu tuyển thủ Pháp Yohan Cabaye (có bà nội là người Việt), Lee Nguyễn (từng được gọi lên đội tuyển Mỹ) hay Nguyễn Filip nếu được ra sân cùng đội tuyển nước sở tại thì chẳng bao giờ về khoác áo ĐTVN.

Trần Đỗ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202406/do-mat-tim-tai-nang-viet-kieu-ebf4bd6/