'Đỏ mắt' với ma trận số nhà ở Hà Nội
Sau một thời gian Hà Nội thực hiện nghiêm túc việc đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn, tình trạng 'loạn' số nhà đã giảm. Tuy nhiên, việc một ngôi nhà có 2 biển số, biển số nhiều nhà trùng lặp, thiết kế không nhất quán hay đánh số lộn xộn - một câu chuyện không mới nhưng đến nay vẫn tồn tại trên nhiều tuyến đường, gây khó khăn cho người dân.
Nhà ở ngay phố Chùa Bộc, chỉ cách địa chỉ đang cần tìm khoảng 10 phút đi xe máy, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Huyền (quận Đống Đa) vẫn cảm thấy lúng túng khi đi tìm nhà của người bạn trên phố Nguyễn Trãi và buộc phải tìm sự trợ giúp của google map.
Chị Huyền chia sẻ: "Tôi cần tìm nhà bạn tôi ở số nhà 446, đi đến đây thấy đã là 682, tôi tưởng đã đi quá. Định quay đầu lại thì lại thấy số nhà tiếp theo là 198. Tôi tra google map, hóa ra nhà bạn tôi còn cách khoảng 900m nữa. Thực sự số nhà lộn xộn như thế này rất khó tìm, ngay cả như tôi là người Hà Nội chứ không nói gì đến người tỉnh khác đến hay xe ôm công nghệ".
Tuyến phố Nguyễn Trãi mặc dù là một tuyến phố chính của Thủ đô, nhưng thực tế hiện có hai đoạn biển số nhà trùng nhau. Nguyên nhân là do hai đoạn này thuộc địa giới hành chính khác nhau.
Với chiều dài khoảng 3,4km, đường Nguyễn Trãi hiện đi qua ba quận Đống Đa, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Trong đó, đoạn từ Ngã Tư Sở đến hết quận Thanh Xuân được đánh một dãy số, nhưng sang địa phận Nam Từ Liêm, số nhà lại được ''tua lại'' từ 682 về 198. Kiểu đánh số nhà kỳ lạ này chỉ xuất hiện ở bên dãy số chẵn.
Trên phố Lê Văn Lương, ngay đoạn hầm chui còn kỳ lạ hơn. Khi số chẵn cùng lúc xuất hiện ở cả hai bên đường: dãy bên này là các số sắp xếp lộn xộn từ 110,116, 118, 112, phía đối diện lại là 66, 68. Riêng kios 112 còn “đính kèm” thêm số lẻ “ngõ 39”.
Còn ở phố Phạm Huy Thông, ngay bên bờ hồ Ngọc Khánh quận Ba Đình; với đặc thù chỉ có một bên đánh số, phía còn lại là mặt hồ, nên có lẽ duy nhất ở phố này không phân biệt chẵn lẻ. Thành ra mới có chuyện số 1 nằm ngay giữa phố, lẻ loi lẫn trong “rừng” số nhà chẵn.
Tình trạng “loạn” số nhà xuất phát từ ba nguyên nhân chính. Một là sự tùy tiện của người dân, đặc biệt là những người ở phố mới, muốn nhanh chóng có địa chỉ. Hai là sự quản lý khác nhau, thiếu phối hợp của các địa phương trên cùng một con đường.
Và ba là do “lịch sử” để lại, khi nhiều vùng nông thôn lên thành thị, địa chỉ không cập nhật theo sự thay đổi địa bàn hành chính. Điều này không chỉ gây bất tiện cho người dân, làm xấu đi hình ảnh đô thị, mà còn làm khó chính quyền cơ sở, đặc biệt là việc quản lý dân cư và các loại giấy tờ, thủ tục hành chính.
Nhiều người tùy tiện tự đánh số. Với người đi xe máy còn đỡ, chứ người đi ô tô rất khó đỗ dừng xe để tìm. Mà cái này để xử lý tôi nghĩ cũng đơn giản thôi, cứ giao cho chính quyền cấp phường, quận họ thay được ngay
Từ năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định quy định cụ thể về quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, UBND thành phố đã phân cấp cho UBND cấp quận huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà theo địa bàn quản lý.
Về nguyên tắc, một con phố thông suốt, dù qua phường này phường khác, quận này quận kia, nên được đánh số liên tục từ đầu cho đến số nhà cuối cùng.
Số chẵn bên phải, số lẻ bên trái, tính từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, Đông Bắc sang Tây Nam, Đông Nam sang Tây Bắc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng bất cập này vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn và bức xúc cho người dân.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/do-mat-voi-ma-tran-so-nha-o-ha-noi-200897.htm