Đỗ ôtô trước nhà người khác: Không phải là chuyện nhỏ!
Ngày 26-4, Báo Người Lao Động có bài viết Đỗ ôtô trước nhà người khác: Ai đúng, ai sai? nói về tình trạng đỗ ôtô trước cổng nhà, cửa hàng, quán ăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đánh nhau, hủy hoại tài sản đã từng xảy ra và là nỗi bức xúc của tài xế lẫn người có nhà bị ôtô đỗ trước cửa ra vào.
So với nhiều vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống, chuyện đỗ ôtô trước cổng nhà, quán ăn không phải là chuyện lớn nhưng trên thực tế, chuyện dù nhỏ mà không có cách giải quyết thấu đáo vẫn có thể gây ra những hậu quả khôn lường, được chứng minh qua những vụ án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản… Xung quanh vấn đề này, có 2 luồng ý kiến.
Đứng ở vai chủ nhà, chủ cửa hàng, nhiều người hiểu rõ hành lang đường bộ, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý, không ai được phép chiếm dụng làm của riêng.
Thế nhưng, ai có thể không phiền trước tình trạng ngày nào ôtô cũng đỗ kín hai bên đường, chặn lối ra vào nhà; hoặc cửa hàng kinh doanh mỗi tháng trả tiền thuê hàng triệu đồng mà ôtô đỗ bít lối, hết xe này đến xe khác, không biết phải kinh doanh kiểu gì?
Chưa kể cửa hàng, quán ăn mà bị đối thủ chơi bẩn, cho vài ôtô đỗ dài dài dưới lòng đường thì xử lý ra sao? Đường tuy không phải của chủ nhà nhưng nhà phải có lối đi. Luật quy định các phương tiện lưu thông không được cản trở lưu thông của người khác, vậy đỗ ôtô trước cửa nhà khiến người khác ra vào khó khăn thì có xem là vi phạm? Lòng đường thuộc sở hữu của nhà nước, vậy vì sao tài xế ôtô được phép sử dụng cho mục đích riêng là bãi đỗ xe cá nhân, để rồi đỗ xe từ sáng đến tối...?
Trong khi đó, đã và sẽ có nhiều tài xế lý luận đường giao thông thì dành cho phương tiện giao thông. Nếu ngành giao thông không cấm dừng, đỗ thì tài xế ôtô có quyền đỗ xe bởi công dân Việt Nam nào cũng có quyền làm những gì pháp luật không cấm.
Hoặc mỗi ôtô đều đã đóng phí đường bộ, nên lòng - lề đường nếu không cấm thì được phép đỗ xe, nhà mặt phố không đóng phí đường bộ nên không có quyền chiếm dụng. Hơn nữa, ở đô thị nhà cửa san sát, dễ gì tìm được chỗ trống để đỗ xe…?
Cả tài xế và chủ nhà, chủ cửa hàng đều có lý. Nhưng thử đổi vai cho nhau để nói chuyện, có lẽ sẽ tìm được tiếng nói chung. Tài xế đỗ ôtô vài ba phút rồi đi, chủ nhà không nên làm khó dễ vì đó là việc chẳng đặng đừng.
Nếu đỗ xe lâu (trên 20 phút), tài xế cần tìm chỗ hợp lý hơn; nên nói với chủ nhà một tiếng, để lại số điện thoại để họ liên hệ khi cần. Bởi nói gì thì nói, đừng làm phiền, cản trở sinh hoạt của người khác vì chủ nhà có quyền tự do ra vào nhà của họ.
Câu chuyện trên cũng đặt ra nhiều vấn đề mà luật cần có quy định rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lẫn tài xế ôtô. Ví dụ được đỗ xe thì đỗ trong bao lâu, rồi vị trí đỗ, quy định khoảng cách, ngày lẻ - ngày chẵn… Đặc biệt, ở những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội cần quy hoạch và cho xây dựng ngay bãi đỗ ôtô khi phương tiện này ngày càng nhiều.