Đo tác động khi Fed hạ lãi suất
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu đang hướng về cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào hai ngày 17 - 18/9, với dự báo quan chức Fed sẽ đưa ra quyết định có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm. Một số ngành sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất thấp.
Tác động tích cực đến thị trường chứng khoán
Khả năng Fed bắt tay vào cắt giảm lãi suất từ tháng 9/2024 được giới đầu tư toàn cầu đánh giá là rất cao, vấn đề đang được quan tâm là Fed sẽ hạ lãi suất ở mức nào. Hiện tại, các kịch bản dự đoán chủ yếu vẫn nghiêng về mức cắt giảm 0,25%/năm.
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, nếu Fed chỉ cắt giảm lãi suất 0,25%/năm trong kỳ họp tháng 9 thì về cơ bản không tạo ra hiệu ứng bất ngờ nào đối với giới đầu tư. Vì thế, các tài sản tài chính, ví dụ chứng khoán chưa chắc đã có phản ứng tích cực. Trong trường hợp Fed cắt giảm 0,5%/năm, có thể lại dấy lên mối lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Do đó, đây là một thời điểm rất nhạy cảm đối với thị trường chứng khoán.
Các số liệu quá khứ cho thấy, trong 3 lần cắt giảm lãi suất gần đây nhất của Fed (vào tháng 1/2001 - khi xảy ra khủng hoảng bong bóng dot.com; vào tháng 9/2007 - khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu và lần gần đây nhất là vào tháng 8/2019 - ảnh hưởng bởi đại dịch Covid) thì diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ sau đó 1 tháng có cả tăng và giảm. Vì vậy, theo bà Trang, xu hướng trung hạn của thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu sẽ phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Động thái hạ lãi suất của Fed trong kỳ họp tháng 9 này - nếu diễn ra - cũng được nhìn nhận là yếu tố tác động tích cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu khi đánh dấu việc chấm dứt thời kỳ lãi suất cao để đối phó với lạm phát của Mỹ.
Từ góc nhìn của ông Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập Finpeace, tác động của việc Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ lãi suất tới thị trường Việt Nam là tích cực, đến từ ba khía cạnh: thứ nhất, khi Fed hạ lãi suất, chỉ số DXY có xu hướng hạ nhiệt, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND và Ngân hàng Nhà nước có dư địa để quay trở lại chính sách tiền tệ nới lỏng, duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế; thứ hai, dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ có xu hướng quay trở lại các thị trường mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) khi Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn quay trở lại nới lỏng tiền tệ, qua đó giúp áp lực bán ròng của khối ngoại suy giảm; thứ ba, Fed hạ lãi suất được coi là một động thái kích cầu nền kinh tế, kỳ vọng sẽ giúp nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, hồi phục, qua đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được hỗ trợ.
Mặc dù đây là yếu tố tích cực, nhưng ông Tuấn Anh cho rằng, kỳ vọng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 đã phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu thời gian qua, nên có thể sẽ ít có tác động đến chỉ số chứng khoán trong ngắn hạn. Theo đó, tác động của thời điểm Fed hạ lãi suất sẽ không đáng chú ý bằng mức độ hạ lãi suất. Nói cách khác, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chỉ phản ánh tích cực nếu Fed cắt giảm lãi suất 0,5%/năm trong kỳ họp vào đầu tuần này.
Theo công cụ FEDWatch của CME Group, thị trường đánh giá có 87% khả năng Fed sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất 0,25%/năm trong kỳ họp tháng 9. Khả năng có một đợt cắt giảm mạnh tay hơn dù vẫn chưa bị loại bỏ nhưng đã giảm xuống 13%.
Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi
Có một số nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất thấp, như các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay cao, chi phí tài chính lớn như bất động sản, sắt thép, điện nước, xây dựng hạ tầng.
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB
Theo giới chuyên gia, việc Fed hạ lãi suất là yếu tố khách quan quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có thể quay trở lại định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Theo đó, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ việc chi phí đi vay sẽ rẻ hơn, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư gia tăng, các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là một động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu trong nước vẫn tương đối yếu và tăng trưởng trong nước phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC phân tích, về mặt vĩ mô, Fed giảm lãi suất giúp chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước giảm đi, giúp tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước có dư địa để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Việc chênh lệch lãi suất giảm bớt cũng giúp đà bán ròng trên thị trường chứng khoán có thể đảo chiều. Với việc tỷ giá USD/VND hạ nhiệt giúp các doanh nghiệp vay nợ bằng USD hưởng lợi, có thể sẽ thể hiện ngay trong báo cáo tài chính quý III này. Một điểm quan trọng nữa, khi lãi suất thế giới giảm, lãi suất tham chiếu SOFR giảm, chi phí vốn của các doanh nghiệp đi vay ngoại tệ trên thị trường vốn quốc tế sẽ giảm.
Tuy vậy, ông Huy lưu ý, kịch bản suy thoái của kinh tế Mỹ cần được theo dõi. Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, nên nếu việc cắt giảm lãi suất xuất phát từ lo ngại kinh tế suy thoái đồng nghĩa với nguy cơ lợi nhuận kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp sẽ suy giảm. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới các lớp tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, với số liệu hiện tại, dù có tín hiệu cảnh báo nhưng không thể nói kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Minh Trang, sẽ có một số nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất thấp, như các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay cao, chi phí tài chính lớn như bất động sản, sắt thép, điện nước, xây dựng hạ tầng… Bên cạnh đó, khi tỷ giá hạ nhiệt, các doanh nghiệp có đầu vào nhập khẩu hoặc phát hành trái phiếu, vay nợ bằng ngoại tệ sẽ giảm bớt áp lực chi phí, ví dụ các doanh nghiệp sắt thép, bất động sản, một số tập đoàn bán lẻ, vận tải, kho bãi.
Thống kê quá khứ cũng cho thấy, các giai đoạn thị trường chứng khoán trong nước bùng nổ thường đi kèm với môi trường lãi suất thấp. Do vậy, các nhóm ngành kỳ vọng khởi sắc sẽ là các nhóm phụ thuộc nhiều vào cầu nội địa, hay hưởng lợi khi lãi suất giảm như bán lẻ, tiêu dùng, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/do-tac-dong-khi-fed-ha-lai-suat-post353815.html