'Đô thị di sản' Huế khoác áo mới
Từ ngày 1/1/2025, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, đồng thời là thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất 'đô thị di sản' đầu tiên của cả nước. Với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, Huế đã sẵn sàng vươn mình trở thành một đô thị xanh, hiện đại, đáng sống, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.
Từ ngày 1/1/2025, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, đồng thời là thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của cả nước. Với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, Huế đã sẵn sàng vươn mình trở thành một đô thị xanh, hiện đại, đáng sống, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.
Thành phố Huế nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, là một trong những đô thị nổi tiếng nhất Việt Nam với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc. Là cố đô của triều đại nhà Nguyễn, Huế không chỉ mang trong mình vẻ đẹp cổ kính mà còn là trung tâm di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Huế gắn liền với những di tích lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Nổi bật nhất là Quần thể Di tích Cố đô Huế, bao gồm Hoàng thành Huế, các lăng tẩm của vua Nguyễn và hệ thống đền, chùa cổ kính. Những công trình này không chỉ phản ánh sự phát triển của kiến trúc cung đình mà còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đặc biệt, hệ thống lăng tẩm, như: lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng hay lăng Khải Định được xem là những kiệt tác nghệ thuật, không chỉ vì sự tinh xảo của kiến trúc mà còn bởi giá trị triết học sâu sắc trong từng chi tiết thiết kế.
Thành phố còn sở hữu Nhã nhạc cung đình Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là loại hình âm nhạc từng phục vụ trong các nghi lễ cung đình triều Nguyễn, phản ánh đỉnh cao của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam. Không chỉ vậy, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi đình, chùa và làng nghề truyền thống, như: làng tranh Làng Sơn, làng gốm Phú Vang và làng nón Bài Thổ..., góp phần tạo nên bức tranh làng quê sinh động.
Ngoài Nhã nhạc cung đình Huế, Huế còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác như lễ hội cung đình, các nghi lễ tôn giáo và những món ăn truyền thống đã trở thành thương hiệu du lịch đồng hành với di sản. Sự phong phú này đã giúp Huế trở thành trung tâm di sản và du lịch văn hóa đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực.
Bên cạnh đó, Huế còn nổi tiếng với sông Hương và núi Ngự Bình - những biểu tượng thiên nhiên gắn liền với văn hóa và tâm hồn người dân nơi đây. Các danh thắng này không chỉ là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật và thơ ca mà còn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho du lịch Huế.
Với những giá trị trên, trong những năm qua, thành phố Huế đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời phát triển mạnh mẽ du lịch. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình bảo tồn di sản gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Việc cải thiện hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng và nâng cao nhận thức của Nhân dân về giá trị di sản là những yếu tố quan trọng giúp thành phố ngày càng vươn xa.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa nét cổ kính và hiện đại đã giúp Huế giữ vững vai trò quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Các lễ hội văn hóa lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài và các hoạt động nghệ thuật đường phố đã góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố ra toàn thế giới.
Có thể thấy, Huế là một minh chứng sống động về sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển hiện đại. Với những nỗ lực không ngừng, thành phố đang dần khẳng định vị thế là một đô thị di sản hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.
Tối 29/12/2024, tại Quảng trường Ngọ Môn, thành phố Huế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong lịch sử dựng nước và phát triển, thành phố Huế luôn giữ vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng; là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; một trong những trung tâm lớn về văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu; một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và có vị trí trọng điểm về quốc phòng - an ninh của cả nước.
Huế là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh (6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác), trong đó có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 - Quần thể di tích cố đô Huế và trở thành thành viên chính thức của mạng lưới di sản quốc tế. Đây chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù của thành phố trực thuộc trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, Huế đã rất nỗ lực “chuyển mình” và đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Huế đã xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước.
Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đạt kết quả tích cực.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc trung ương” cùng lời nhắn gửi “Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước”. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước mà còn phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của địa phương; góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
* Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Như vậy, cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.
* Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập các quận thuộc thành phố Huế; thành lập thị xã Phong Điền thuộc thành phố Huế; sắp xếp huyện Nam Đông, huyện Phú Lộc và thành lập thị trấn trực thuộc. Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành (1/1/2025), thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận); 133 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn).
Để triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy, chính quyền thành phố Huế có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có việc thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ tỉnh sang thành phố trực thuộc Trung ương với mức độ đô thị hóa cao hơn; bộ máy chính quyền phải được tổ chức thống nhất, chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn để vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng tốt chức năng quản lý nhà nước, nhất là các nhiệm vụ về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với đó, cần tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; phát triển du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.
Đặc biệt, Huế chú trọng thực hiện chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch; thường xuyên quan tâm phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lãnh đạo, nhân dân Huế nhất định phải phấn đấu nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để phấn đấu đến năm 2030, thành phố là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tăng cường sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, cùng nhau thấy được trách nhiệm, niềm tự hào và tự tin phấn đấu vươn lên; người dân, doanh nghiệp phải được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, thành quả của quá trình phấn đấu, hy sinh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện việc bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị; đảm bảo theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng, Huế sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương bình yên, đáng sống, một Huế xanh, hiện đại, thông minh, hạnh phúc.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Huế, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế Lê Trường Lưu khẳng định, với vai trò, vị thế mới, toàn hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố Huế sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, cùng chung sức, đồng lòng, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng Huế thành thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, mang đậm bản sắc văn hóa.
Với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, Huế đã sẵn sàng vươn mình trong vai trò thành phố trực thuộc Trung ương mang tính chất "đô thị di sản" đầu tiên của Việt Nam. Tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, hứa hẹn sẽ đưa Huế trở thành một đô thị xanh, hiện đại, đáng sống, đồng thời giữ vững bản sắc văn hóa, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước.
Bài: Minh Hiếu (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
05/01/2025 06:10