Đô thị hóa theo hướng tăng trưởng xanh
Đô thị 'xanh', bền vững và đô thị thông minh là mục tiêu chính mà Đồng Nai hướng tới trong quá trình phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh.
* Phát triển đô thị bền vững
Cũng giống như nhiều địa phương trong cả nước, mục tiêu của Đồng Nai trong việc phát triển đô thị là hướng đến đô thị xanh và bền vững. Một đô thị xanh phải đạt ít nhất 7 tiêu chí về không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên danh lam thắng cảnh…
Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình phát triển đô thị của tỉnh Đồng Nai là khoảng 440 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn được phân theo lĩnh vực phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật hơn 187 ngàn tỷ đồng và mạng lưới phát triển đô thị hơn 253 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2030, cần nguồn vốn hơn 262 ngàn tỷ đồng để cải tạo, nâng loại 8 đô thị: Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Định Quán, Tân Phú và từng bước xây dựng, hình thành mới 6 đô thị là: Bình Sơn, Phước Thái, Thạnh Phú, Phú Lý, Phú Túc, La Ngà.
Từ mục tiêu này, trong tất cả các quy hoạch phát triển đô thị, Đồng Nai đều ưu tiên phát triển mảng xanh đô thị cũng như bảo tồn các cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh. Đơn cử như quy hoạch cù lao Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Để hướng tới mục tiêu phát triển “xanh”, Đồng Nai đã chuyển hướng quy hoạch khu vực “đất vàng” này từ mục tiêu xây dựng một đô thị thương mại, dịch vụ, trung tâm tài chính sang hướng phát triển một đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử.
Cũng với mục tiêu phát triển xanh cho hệ thống đô thị, sông Đồng Nai cũng trở thành “nhân vật trung tâm” trong các quy hoạch đô thị dọc con sông này. Sông Đồng Nai chảy qua địa bàn nhiều huyện, thành phố của Đồng Nai. Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, hiện nay trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh rất chú trọng khai thác quỹ đất dọc sông phục vụ cho việc phát triển đô thị theo hướng hình thành những đô thị sinh thái ven sông. “Từ khu vực H.Vĩnh Cửu đến TP.Biên Hòa hay H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, các khu vực ven sông Đồng Nai sẽ được tính toán kỹ để quy hoạch nhằm đưa sông Đồng Nai trở thành trục cảnh quan đô thị chính” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Để thực hiện phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, việc xây dựng các đô thị thông minh cũng đang được Đồng Nai triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Tin học tỉnh cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, đô thị thông minh là con đường duy nhất để phát triển đô thị bền vững và cho người dân, doanh nghiệp có môi trường được thụ hưởng những giá trị và tiện ích tốt nhất. Tại Đồng Nai, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã mời các tập đoàn công nghệ hàng đầu tư vấn, giới thiệu nhiều mô hình triển khai thành phố thông minh. Hiện tại, UBND tỉnh đang giao các tập đoàn thí điểm xây dựng Trung tâm Điều hành thành phố thông minh (IOC) tại UBND tỉnh, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh.
* Huy động nhiều “kênh” vốn cho phát triển đô thị
Theo tính toán, để thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, nhu cầu vốn đến năm 2030 là hơn 440 ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, Đồng Nai cũng đã xác định nhiều “kênh” huy động vốn cho chương trình như: nguồn vốn từ xã hội hóa, nguồn vốn từ các tổ chức trong nước và quốc tế được lồng ghép với các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia…
Đặc biệt, hiện nay Đồng Nai xem việc quy hoạch quỹ đất lợi thế khi thực hiện các dự án giao thông, chỉnh trang đô thị là một “kênh” tạo vốn quan trọng để tái đầu tư cho phát triển đô thị.
Hiện nay, nhiều dự án trên địa bàn TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Vĩnh Cửu cũng đang thực hiện quy hoạch quỹ đất lợi thế, đấu giá để tạo vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để có nguồn lực đầu tư phát triển, Đồng Nai rất coi trọng công tác quy hoạch. Bởi, nếu quy hoạch tốt, nguồn vốn đầu tư sẽ được tạo ra từ chính quy hoạch.
Thực tế, khi làm tốt công tác quy hoạch, không chỉ giúp tạo ra nguồn vốn tái đầu tư mà còn huy động được các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào quá trình phát triển đô thị thông qua việc các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án. Điều này mang lại hiệu quả kép khi vừa huy động được nguồn vốn xã hội hóa đồng thời giúp các đô thị phát triển theo đúng quy hoạch một cách đồng bộ, văn minh, hạn chế được tình trạng phát triển đô thị một cách manh mún.