Đô thị Huế sẽ có thêm biển và đầm phá
Ngày 17-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 mở rộng nhằm thảo luận và thông qua chủ trương, định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 trên cơ sở Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 đã gây chú ý trong dư luận trong thời gian qua.
Nhu cầu bức thiết
Theo Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm TP Huế hiện hữu (70,67km²) và một phần các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348,54km², rộng gấp 5 lần TP Huế hiện nay. Cụ thể, không gian đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam, với trục cảnh quan “xương sống” là sông Hương kéo dài từ phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. Bên cạnh đó, để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho khu vực lõi TP Huế hiện tại thì hướng chính để thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh hơn chính là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai “chân kiềng” hết sức quan trọng trong việc tạo động lực để phát triển TP Huế.
Ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế nhìn nhận, Huế được biết đến là thành phố có nhiều di sản văn hóa, song lại là một trong những thành phố có diện tích nhỏ nhất nước nên dù thường xuyên đầu tư nâng cấp, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm của thành phố đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Mật độ dân số rất cao (trên 5.000 người/km²), trong khi quy chuẩn là 2.000 người/km². Ngoài ra, với diện tích hơn 70km², hiện các chỉ tiêu đô thị loại I của TP. Huế đã đạt ngưỡng, trong đó các hạ tầng khung như rác thải, nghĩa trang, hệ thống xử lý nước thải đều nằm trên các địa phương khác nên công tác phối hợp luôn gặp khó khăn… Việc mở rộng TP. Huế là nhu cầu tất yếu.
Trong khi, một chuyên gia quy hoạch lại lo lắng rằng, mở rộng đô thị Huế quá lớn có thể gây hệ lụy như đầu cơ đất, đô thị không có người trong khi nông dân mất ruộng. Kiến trúc sư Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, mở rộng đô thị Huế là xu thế tất yếu trong quá trình hình thành phát triển đô thị nói riêng và phát triển kinh tế xã hội. Song mở rộng đến đâu, tương ứng với từng thời điểm cụ thể thì phải phải tính toán kỹ lưỡng. Nếu không cẩn trọng sẽ không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, đô thị hóa sẽ lấy đi một diện tích đất nông nghiệp, nên việc cân bằng đất đai, thoát lũ và sự ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Chưa hết, khi diện tích tăng gấp 5 lần, trong khi dân số không tăng tương ứng sẽ tạo nên một dòng di cư lớn mà chính quyền không thể kiểm soát hết, sẽ nảy sinh các hệ lụy về văn hóa, xã hội. “Sở dĩ mọi người còn cảm nhận được Huế bởi vì Thành Nội, sông Hương còn lưu giữ được cảnh quan, mật độ cây xanh. Bên cạnh đó, bao quanh Huế là một hệ thống làng quê rất đẹp, mang đậm bản sắc làng Việt ở Trung Bộ. Vì thế, Huế phải tạo ra được đô thị đặc trưng của riêng mình”, ông Quang nói.
Cụ thể hóa đồ án quy hoạch của Chính phủ
Trình bày Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, để bảo đảm các mục tiêu đề ra, căn cứ vào nguồn lực hiện có gắn với ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, tạo sự đồng thuận toàn xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất định hướng và phân chia đề án làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2025), xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương với quy mô khoảng 267km². Giai đoạn 2 (2025-2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và quy hoạch chung TP. Huế đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km².
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh, theo quy hoạch chung TP Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 649/QĐ-TTg năm 2014, không gian đô thị Huế được mở rộng theo quy mô 348km². Đây là cơ sở xây dựng vùng lõi đô thị để đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển đô thị chậm như hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế không đảm bảo các tiêu chí đô thị loại 1 nên cần có cơ chế đặc thù theo hướng: “Đô thị di sản- thành phố trực thuộc Trung ương”. Việc lập Đề án Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 được chia ra làm 2 giai đoạn vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt mở rộng TP Huế và lâu dài đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khi không gian mở rộng thì Huế sẽ có một điều kiện thuận lợi để bảo tồn di sản - giá trị cốt lõi của Huế. Sẽ giải quyết được vấn đề giữa bảo tồn và phát triển luôn là câu chuyện bức xúc của Huế từ mấy chục năm qua. Với một đô thị rộng mở và năng động đó, Huế mới có điều kiện để phát triển xứng tầm một trong 6 đô thị lớn của Việt Nam như quy hoạch của quốc gia để người dân được hưởng thụ điều kiện sống và làm việc tốt hơn.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho rằng, mở rộng không gian đô thị Huế phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và của tỉnh. “Việc lập đề án xây dựng và phát triển đô thị Huế là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đề án này là một bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch, xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời, thực hiện chủ trương mở rộng không gian phát triển đô thị Huế tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV”, ông Lê Trường Lưu cho biết.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/do-thi-hue-se-co-them-bien-va-dam-pha-623190.html