Đô thị miền Tây ngập bất thường trong mùa khô, chuyên gia nói gì?
Nhiều ngày qua, một số đô thị ở miền Tây bị ngập, gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
Ba ngày qua, nhiều tuyến đường tại trung tâm TP Cần Thơ ngập nặng. Ở khu vực hồ Bún Xáng (quận Ninh Kiều) nối hẻm 51, đường 3 Tháng 2 qua đường Nguyễn Văn Cừ, nước tràn bờ làm ngập nhiều tuyến đường, ảnh hưởng tới việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
Tại một trong những nơi sầm uất của quận Ninh Kiều là khu vực phường Cái Khế, tối nhiều ngày qua, triều cường cũng gây ngập các tuyến đường như: đường Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Phạm Ngọc Thạch…


Một số tuyến đường ở phường Cái Khế bị ngập trong chiều tối 2-4
Theo người dân, tình trạng ngập tại các tuyến đường này khá bất thường, xảy ra thời điểm đang giữa mùa khô, các năm trước ít gặp.
Cũng trong nhiều ngày qua, trên tuyến Quốc lộ 60 và Quốc lộ 1, đoạn qua TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị ngập nặng do triều cường khiến người dân đi lại khó khăn, kẹt xe kéo dài.
Lý giải về nguyên nhân đô thị bị ngập trong mùa khô một cách bất thường, PGS-TS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi khí hậu, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ – nhận định: "Tôi chưa đủ số liệu để phân tích, nhưng theo tôi nghĩ, lúc này các công trình ngăn mặn, ngăn triều đã đóng hết nên nhiều khi đóng chỗ này, nước lại chảy chỗ khác".
PGS-TS Lê Anh Tuấn cho hay ĐBSCL có các nhánh sông, khi thủy triều vào trong nhánh nhỏ thì năng lượng bị triệt tiêu dần dần. Còn khi đóng cống rồi thì năng lượng không bị triệt tiêu mà tiếp tục mạnh hơn và đẩy vô sâu trong đất liền làm cho ngập hơn.

Nước ngập gây khó khăn cho việc đi lại của người dân Cần Thơ
Theo Trung tâm Stimson (Mỹ), trong tuần qua, đập Ubol Ratana (là đập có dung tích hồ chứa hữu ích lớn nhất ở phần lưu vực sông Mê Kông thuộc Thái Lan) đã xả dần hơn 1 tỉ m3 nước để phát điện từ tháng 10 đến nay.
Mặc dù hồ chứa của đập này chỉ có sức chứa 1,85 triệu m3, tương đương khoảng 1/6 dung tích của đập lớn nhất Trung Quốc, nhưng các đợt xả nước của nó vẫn gây tác động đáng kể lên dòng chính sông Mê Kông trong mùa khô, khiến mực nước sông dâng lên đáng kể.
Trung tâm Stimson cho biết trận động đất ngày 28-3 đã được cảm nhận tại Viêng Chăn (Lào), cách đập Ubol Ratana khoảng 100 km về phía Bắc. Hiện chưa rõ liệu trận động đất này có ảnh hưởng đến đập Ubol Ratana hoặc các đập khác trên lưu vực sông Mê Kông hay không.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, trận động đất vừa xảy ra tại Myanmar đã gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Các đập thủy điện khi chứa quá nhiều nước có nguy cơ kích thích hồ chứa. Đặc biệt, nếu nền đất yếu, việc chất thêm tải trọng từ lượng nước lớn trong hồ chứa có thể tạo ra những chấn động mạnh, thậm chí có thể dẫn đến vỡ đập.
"Nên vừa rồi thượng nguồn đã xả nước. Còn việc xả nước này gây ngập một số nơi ở ĐBSCL hay không thì tôi chưa có số liệu để đánh giá" – PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.