Đồ thờ cúng từ Trung Quốc tăng giá
Năm nay người dân vẫn mua sắm nhưng chậm và giá trị mua giảm hơn so với năm ngoái.
Ngày 29-1, nhằm 17 tháng Chạp, sắp đến ngày cúng ông Táo, ghi nhận tại một số chợ lẻ như Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận), chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), người dân bắt đầu mua sắm những mặt hàng phục vụ cho cúng tết.
Khoảng 9 giờ sáng tại chợ Trần Hữu Trang, các sạp bán bánh kẹo mứt tết, bán nhang đèn, hoa giả trang trí nhà cửa đón tết có nhiều khách ghé thăm.
Đang chờ người bán cân bánh đậu xanh tại một sạp hàng bánh mứt và hỏi mua thêm lạp xưởng, bà Nguyễn Thị Lợi (quận Tân Bình) cho biết chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày cúng ông Táo nên bà đi mua đồ chuẩn bị sẵn.
Trong khi đó, tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, các sạp hàng chạp phô, nhang đèn cũng khá đông khách.
Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ một sạp bán hàng nhang đèn, kể từ đầu năm đến nay bán rất chậm, tiểu thương chỉ trông chờ vào những ngày tết. Cách đây hai tháng, họ đã chuẩn bị đồ cúng tết để bán cho người dân mua sớm. Năm nay người dân vẫn mua sắm nhưng chậm và giá trị mua giảm hơn so với năm ngoái.
Ví dụ năm ngoái khách thường mua đồ cúng cho ngày 23, giao thừa 30, mồng 1, mồng 2, mồng 3 thì năm nay họ mua đồ cúng gộp một lần cho cúng ông táo, đất đai nhà cửa, tất niên .
Hay có người mua 100.000 đồng các bộ đồ cúng nay chỉ chi ra khoảng 20.000-30.000 đồng cho giấy tiền vàng bạc chứ không mua vàng mã như trước đây.
Một số mặt hàng phục vụ cúng tết năm nay tăng giá 10%. Cụ thể như giấy để sản xuất quần áo do không nhập từ Trung Quốc về được nên giá tăng.
Nếu bán đến đâu nhập hàng đến đó thì cách đây một tháng không có quần áo giấy để nhập. Trong khi mọi năm ngày 20 đặt mua vẫn được.
“Với kinh nghiệm 40 năm buôn bán, tôi đã nhập hàng từ trong năm. Vì vậy, hiện nay sạp vẫn có hàng bán và giá không tăng, mình chấp nhận giảm lời để chia sẻ khó khăn với khách hàng” - bà Tâm nói.
Riêng với đồ thờ cúng bằng gốm sứ Trung Quốc không nhập về được, không có hàng nên những người bỏ mối tăng giá 10%. Chẳng hạn bình sứ thường bán giá 100.000 đồng nay tăng 110.000 đồng.
Bên cạnh đó, mặt hàng nhang Vương Kim Thành một trong những thương hiệu được tiêu thụ nhiều nhờ chất lượng, an toàn vừa tăng 10% mà không có hàng bán.
Trong khi đó, bà Thành tiểu thương sạp nhang đèn chợ Phạm Văn Hai cho biết, khu vực xung quanh chợ có nhiều người khá giả cộng với việc buôn bán uy tín nên dịp cuối năm doanh thu của sạp tốt hơn.
Theo bà Thành, năm nay quần áo giấy đều tăng nhẹ do nguyên liệu giấy từ Trung Quốc không nhập về được. Tuy nhiên, để giữ khách, bà vẫn bán giá bằng năm ngoái. Riêng mặt hàng gốm sứ do bà nhập hàng sẵn từ tháng 9 nên vẫn giữ được cũ.
Đặc biệt đèn thủy tinh Trung Quốc năm nay khan hiếm, số lượng không đủ giao theo đơn đặt của tiểu thương.
“Không những vậy, đèn cầy ly nhỏ của Việt Nam thời điểm này không có nhiều để nhập về do nhu cầu tiêu thụ tăng. Hôm qua, khi tôi liên lạc đầu mối đặt hàng họ cho biết chỉ còn đèn cầy lớn nên bán giá cao. Mua về lẽ ra phải bán 13.000 đồng mới có lời nhưng tôi vẫn chỉ bán giá cũ 10.000 đồng” - bà Thành kể.
Một số hình ảnh tại chợ Nguyễn Văn Trỗi:
Một số hình ảnh tại chợ Phạm Văn Hai:
Một số hình ảnh tại chợ Trần Hữu Trang:
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/do-tho-cung-tu-trung-quoc-tang-gia-964592.html