Dò tìm hướng đi với công nghệ tích hợp
Việc Google cho ra mắt 'trợ lý ảo' (Google Assisstant) phiên bản tiếng Việt mang lại nhiều cảm xúc phức hợp. Người tiêu dùng chắc hẳn phấn chấn, nhưng thông tin này làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ thất sủng của các dự án trí tuệ nhân tạo xử lý giọng nói tiếng Việt của các doanh nghiệp trong nước. Trong thời cạnh tranh khốc liệt, hợp tác tạo dựng và sử dụng công nghệ tích hợp liệu có phải là một lựa chọn khả thi?
Nhận diện công nghệ tích hợp
Để có thể hình dung về viễn cảnh sử dụng công nghệ tích hợp trong trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhìn lại thực tế sôi động trong sử dụng công nghệ tích hợp ở các lĩnh vực khác vào thời điểm hiện tại, điển hình nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin.
Một đơn cử là cho dù không biết được con số chính xác là bao nhiêu nhưng chúng ta vẫn có thể đếm và liệt kê hàng trăm sáng chế khác nhau mà Apple đã phải sử dụng để có được một chiếc iPhone. Trong số đó, có nhiều công nghệ được sử dụng theo một tiêu chuẩn chung, là tiêu chuẩn sáng chế/công nghệ được hình thành thông qua việc tập hợp rất nhiều sáng chế/công nghệ có liên quan.
Thỏa thuận tích hợp công nghệ qua việc tiêu chuẩn hóa các sáng chế là một cánh cửa để các hãng công nghệ Việt tìm hướng đi nhưng cũng sẽ là một trải nghiệm đầy gam go.
Việc tiêu chuẩn hóa sáng chế/công nghệ và sử dụng công nghệ tích hợp sẽ giải quyết được những khó khăn cho người tiêu dùng trong tình huống họ phải tìm kiếm giải pháp thay thế nếu như đang sử dụng sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ... không giống ai. Ngược lại, nó cũng giúp nhà sản xuất giảm thiểu hao phí khi đầu tư nghiên cứu hay sáng chế công nghệ... lệch chuẩn. Những giá trị tích hợp cho sự hiện diện của công nghệ wireless, 2G, 3G, 4G rồi 5G ở thời điểm hiện tại có thể là những ví dụ điển hình và sinh động nhất.
Thông thường, quá trình tiêu chuẩn hóa có thể được tiến hành bởi các tổ chức quản lý tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, họ công bố tài liệu về một tiêu chuẩn chung trên cơ sở tích hợp và gọi tên một (rất hiếm), một vài hay rất nhiều sáng chế cần thiết phải sử dụng cho tiêu chuẩn.
Đương nhiên, một nhà sản xuất cũng có thể tự mình tạo ra một tiêu chuẩn chung bằng cách mua lại tất cả các sáng chế để tích hợp và biến nó thành một tiêu chuẩn công nghệ phổ biến. Microsoft với Windows, Apple với iOS, Google với Android là những hình mẫu các công ty công nghệ lớn đi theo hướng này. Nhưng các nhà sáng chế lẫn các hãng sáng tạo công nghệ muốn đi trên con đường riêng, như trường hợp nói trên của Việt Nam, thì chắc sẽ chẳng mặn mà gì với giải pháp... “bán mình” như vậy.
Một phương thức khác có thể được lựa chọn. Đó là việc ký kết các thỏa thuận giữa các bên nắm giữ sáng chế để cùng nhau tạo ra một tiêu chuẩn công nghệ chung qua việc tích hợp sử dụng các sáng chế/công nghệ của nhau.
Tất cả các sáng chế tập hợp cho quá trình tiêu chuẩn hóa công nghệ gọi là sáng chế cần thiết cho tiêu chuẩn, thường gọi tắt là SEP (standard essential patent). Rõ ràng, việc tiêu chuẩn hóa sẽ mang lại cho người nắm giữ SEP rất nhiều “quyền lực”, ít nhất là so với thời mà sáng chế của họ chưa phải là SEP.
Để không bị khách hàng “bỏ rơi” do sản phẩm không theo tiêu chuẩn chung, các nhà sản xuất cạnh tranh khác phải tìm cách tiếp cận các tiêu chuẩn công nghệ này. Người nắm giữ SEP vì vậy có cơ hội áp đặt giá. Thậm chí, nếu cần họ có thể đóng (lock) cơ hội tiếp cận SEP của đối thủ dù các hãng này chấp nhận bỏ tiền cho việc đó. Và đương nhiên, họ cũng có quyền ra lệnh cấm hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra lệnh cấm việc sử dụng các SEP một cách bất hợp pháp (vì quyền sở hữu trí tuệ của họ được pháp luật bảo hộ).
Nhưng đến đây, câu chuyện có vẻ đi theo một chiều hướng xấu khi người tiêu dùng, thị trường và cả nền kinh tế có khả năng mất nhiều cơ hội tiếp cận và tận hưởng công nghệ.
Rủi ro pháp lý khi “lạm quyền”
Để tránh xu hướng “lạm quyền” hay yêu cầu và ứng xử quá đáng của chủ SEP nêu trên, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế thường đặt ra mô hình ứng xử mẫu trong việc khai thác và sử dụng SEP. Cụ thể, điều kiện ứng xử công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử được đưa ra và trở thành các điều khoản bắt buộc trong các hợp đồng li-xăng, thường gọi tắt là điều khoản FRAND (fair, reasonable, and non-discriminatory); hay có thể chỉ là điều kiện hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND).
Theo đánh giá của OECD, cam kết FRAND mang lại hai tác dụng lớn. Một, nhằm bảo đảm rằng các công nghệ được tích hợp trong một tiêu chuẩn có thể tiếp cận được tất cả các nhà sản xuất sản phẩm gắn với tiêu chuẩn đó. Và hai, mang lại những giá trị tài chính cho người nắm giữ SEP.
Khi FRAND được ghi nhận vào hợp đồng thì ứng xử thái quá của bên nắm giữ SEP được điều chỉnh bởi luật hợp đồng và có thể bị kiện ra tòa nếu các điều kiện trên không được minh thị. Nhưng có vẻ phương án này không phát huy tác dụng trong trường hợp bên sở hữu SEP sử dụng lệnh cấm tiếp cận SEP như đã nói ở trên.
Bên bị ngăn cấm tiếp cận SEP, ngay cả khi không có hợp đồng, lúc này tìm đến một công cụ pháp lý đang được sử dụng phổ biến và rất hiệu nghiệm là luật cạnh tranh. Trên cơ sở đánh giá những tác động của một lệnh cấm như vậy, cơ quan cạnh tranh và thương mại các nước có thể chỉ ra nguy cơ tước bỏ lợi ích của người tiêu dùng và đặc biệt là khả năng triệt tiêu đối thủ cạnh tranh do họ không thể tiếp cận và sử dụng công nghệ tích hợp để sản xuất hay phân phối sản phẩm. Theo các cơ quan này, đó là hành xử phản cạnh tranh, cụ thể là không tuân theo tinh thần của FRAND vừa nói. Với quyết định như vậy, đương nhiên chủ sở hữu SEP phải chịu án phạt, dừng khóa (unlock) và có thể thực hiện một số biện pháp khắc phục khác.
Thậm chí ở Mỹ, Văn phòng Nhãn hiệu và sáng chế cũng đã ký một tuyên bố chung với Bộ Tư pháp để cùng nhận định rằng, yêu cầu dừng tiếp cận SEP là không phù hợp với cam kết li-xăng theo những điều kiện FRAND mà các tổ chức tiêu chuẩn hóa đã đặt ra. Điều đó có thể lý giải về sự gia tăng án phạt của cơ quan kiểm soát cạnh tranh cho các tình huống sử dụng lệnh cấm dù pháp luật bảo hộ sáng chế vẫn tồn tại.
Thực tế đắng cay
Thực tế, hầu hết các hãng công nghệ lớn đều đã từng bị gọi tên, và có những vụ việc họ còn phải gánh án ở rất nhiều nơi, nhưng phổ biến vẫn là tại Mỹ và châu Âu. Đơn cử như việc Apple đã từng tuyên chiến với Mortorola và Samsung tại nhiều nước, và sau đó giành thắng lợi trong việc tiếp cận các SEP của hai hãng vào năm 2011 và 2012.
Motorola khi đó có các SEP tích hợp tiêu chuẩn 2G bởi Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI). Hãng cam kết cấp phép SEP cho bên thứ ba theo FRAND. Apple đã ký thỏa thuận và thống nhất lựa chọn tòa án Đức để xác định mức độ phù hợp của FRAND và theo đó trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, Motorola sau đó đã khiếu nại về hành vi tiếp cận các SEP - 2G bất hợp pháp của Apple lên Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ và theo đuổi các thủ tục tố tụng tại tòa án nước này để nhận được lệnh cấm đối với Apple.
Câu chuyện với Samsung cũng tương tự khi hãng này trước đó đã cam kết là không sử dụng lệnh cấm tiếp cận SEP - 3G đối với bất kỳ ai trong khoảng thời gian năm năm nếu như họ chấp nhận thỏa thuận cấp phép từ cuộc đàm phán có thể kéo dài đến 12 tháng.
Nhưng Motorola và Samsung sau đó đã chua chát nhận về thất bại bởi các phán quyết của cơ quan kiểm soát cạnh tranh như đã nói. Lý do đơn giản là việc có một lệnh cấm khi có sự hiện diện các cam kết vừa nói là không cần thiết, vì điều này có thể gia tăng chi phí bản quyền, chi phí sản xuất, là tăng giá, ảnh hưởng người tiêu dùng và các lợi ích chung.
Theo Cơ quan Cạnh tranh châu Âu, sử dụng lệnh cấm là một giải pháp pháp lý chống lại việc tiếp cận và sử dụng sáng chế bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu bên nắm giữ SEP có sức mạnh thị trường và đưa ra cam kết cấp phép theo FRAND thì có nghĩa họ mong chờ có được thù lao đối với SEP từ doanh thu cấp phép chứ không phải bằng cách sử dụng các sáng chế này để loại trừ người khác, đặc biệt là đối thủ.
Toàn bộ phối cảnh này cho thấy, thỏa thuận tích hợp công nghệ qua việc tiêu chuẩn hóa các sáng chế là một cánh cửa để các hãng công nghệ Việt tìm hướng đi nhưng cũng sẽ là một trải nghiệm đầy gam go. Dù vậy, nếu tỉnh táo chấp nhận thử thách và chủ động kiểm soát rủi ro thì đó vẫn là lựa chọn có thể có được sự đáp trả tương xứng. n
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM
Trương Trọng Hiểu(*)
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289993/do-tim-huong-di-voi-cong-nghe-tich-hop.html