Đổ xô đi siêu thị mua sắm người dân có tâm lý chủ quan dịch Covid-19
Người dân Hà Nội đang dần trở về cuộc sống bình thường sau khi TP nới lỏng giãn cách xã hội. Ngay trong ngày 21/9, đã có nhiều người dân tới các siêu thị mua sắm hàng hóa.
Đổ xô tới siêu thị mua sắm
Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội (21/9) hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Co.op mart, Vinmart… đã đón một lượng lớn người tiêu dùng đến mua hàng. Thông tin từ siêu thị Co.op mart Hà Đông cho thấy, trong ngày 21/9, lượng khách đến mua sắm đã tăng gấp 2-3 lần so với giai đoạn giãn cách. Tương tự hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, Hapro Mart cũng đối mặt với lượng khách hàng đến mua sắm hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống gấp 3-4 lần.
Mặc dù lượng khách hàng tăng cao giúp siêu thị tăng doanh thu, thế nhưng đa phần người tiêu dùng đang có tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch Covid-19 nên không tuân thủ quy định khoảng cách trong quá trình mua sắm. Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại siêu thị Big C Thăng Long cho thấy, tại các khu vực bán rau, quả, thực phẩm tươi sống luôn có đông người tiêu dùng chen lấn mua thực phẩm, rau xanh. Nhiều người mang cả con nhỏ chưa hề được tiêm phòng đến mua sắm, vui chơi.
Đặc biệt là các quầy thanh toán rất đông khách hàng đứng chờ thanh toán nhưng họ cũng không mấy để ý đến việc giữ khoảng cách an toàn 2 m theo quy định 5K. Lý giải nguyên nhân khiến người tiêu dùng không thực hiện giữ khoảng cách an toàn, anh Tiến Dũng ở Cầu Giấy cho biết, vẫn biết cần phải giữ khoảng cách khi mua sắm qua đó hạn chế lây nhiễm Covid-19, thế nhưng siêu thị không mở hết quầy thanh toán nên dẫn đến ùn tắc, khó có thể đảm bảo thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế.
Đảm bảo khoảng cách, không để thiếu hàng
Lý giải nguyên nhân khiến các siêu thị đón một lượng lớn người tiêu dùng đến mua sắm, Giám đốc siêu thị Co.op mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung nêu rõ, TP Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội nên người dân được phép ra đi ra đường mà không cần phải có phiếu đi chợ hoặc giấy đi đường như trước. Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Big C khu vực miền BắcLê Mạnh Phong cho biết, một số siêu thị do đặc thù nằm xen kẽ, thậm chí là các tòa nhà của tư nhân cho thuê thì việc giữ khoảng cách cũng còn nhiều trở ngại vì diện tích nhỏ, bày nhiều hàng hóa…Riêng với siêu thị Big C là do dịch Covid-19 khiến nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng nên chưa thể mở hết các quầy thanh toán.
“Dự kiến những ngày tới Big C Thăng Long sẽ tuyển thêm nhân viên phụ trách các quầy thanh toán. Trước mắt siêu thị huy động nhân viên văn phòng xuống thực hiện công đoạn thanh toán, qua đó đảm bảo giãn cách đúng quy định”. Theo khảo sát của phóng viên, một số siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai những giải pháp như duy trì thực hiện tuyên truyền bằng loa trong toàn hệ thống, nhân viên túc trực sẵn sàng hướng dẫn khách mua sắm thực hiện các yêu cầu đề ra. Theo đại diện các siêu thị chia sẻ, đây là việc làm thiết thực để thực hiện Chỉ thị 15, góp phần nhắc nhở và phối hợp cùng khách hàng, người dân cố gắng thực hiện vì sức khỏe của mình và cộng đồng.
Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường các siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng. Hệ thống siêu thị Big C đã tăng cường lượng lớn hàng hóa dự trữ, sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao của khách hàng. Cụ thể, đối với hàng thực phẩm khô như dầu ăn, nước mắm, mỳ tôm… Big C dự trữ lượng hàng đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong vòng 30 ngày, riêng với mặt hàng thực phẩm tươi sống,rau xanh, Big C đã làm việc cùng các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 50 - 70% so với những ngày thực hiện giãn cách. Nhằm phục vụ người dân tốt nhất, siêu thị Co.opmart Hà Nội tiến hành đánh giá sức mua hàng ngày qua đó lên phương án chuẩn bị hàng hóa phù hợp thực tế. Siêu thị đã tăng cường, dự trữ hàng hóa thiết yếu tăng từ 30-50% do với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, hải sản đều sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong trường hợp sức mua tăng đột biến, sẽ được tiếp ứng hàng hóa nhanh nhất theo cam kết từ các nhà cung cấp đảm bảo không thiếu hàng.
Theo các chuyên gia bán lẻ mặc dù hệ thống siêu thị đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, không để đứt gẫy cung cầu nhưng quan trọng hơn cả là đẩy mạnh truyền thông quy định 5 K, không để người dân có tâm lý chủ quan trước dịch Covid-19.