Đổ xô đi xét nghiệm Covid-19, vừa làm vừa lo lây nhiễm
Việc xét nghiệm Covid-19 để có 'giấy thông hành y tế' đi lại giữa các địa phương đang gây ít nhiều khó khăn cho người dân.
Nghi ngờ hiệu quả nhưng vẫn phải đi xét nghiệm
Theo ghi nhận của P.V VietNamNet, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong sáng nay có khá đông người dân đến đăng ký làm xét nghiệm Covid-19.
Hai bệnh viện đã bố trí các khu vực tiếp nhận, lấy mẫu xét nghiệm riêng, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào bệnh viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, anh Nguyễn Văn Minh, nhân viên văn phòng ở đường Đồng Khởi, TP Biên Hòa cho biết, do tính chất công việc đi lại nhiều giữa TP.HCM và Đồng Nai nên đến đăng ký làm test từ sớm nhưng đã chờ khá lâu mà chưa nhận được kết quả xét nghiệm.
“Tôi đến từ 8h sáng đã thấy có khá đông người chờ ở đây. Giờ đã gần 12h mà vẫn chưa biết bao giờ mới trả kết quả xét nghiệm”, anh Minh nói.
Nhiều người dân có mặt tại bệnh viện cho biết, thời gian chờ lấy kết quả xét nghiệm mất trung bình từ 5 - 6 giờ. Do là lao động di chuyển thường xuyên giữa Đồng Nai - TP.HCM nên họ chủ yếu đăng ký làm test nhanh (Covid Ag) với chi phí 238.000 đồng/lượt – thấp nhất trong các xét nghiệm sàng lọc SAR-CoV-2.
Anh Phạm Văn Trường, tài xế vận chuyển hàng hóa cho biết, bản thân không nắm rõ các loại giấy xét nghiệm này có ý nghĩa như thế nào nhưng để công việc di chuyển giữa các địa bàn được thuận lợi, anh buộc phải đi làm “giấy thông hành y tế” này.
Tuy nhiên, theo anh Trường với một người có thu nhập chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày, chi phí thực hiện test hiện giờ là cao và cũng không thực sự đảm bảo về ý nghĩa y khoa.
“Ví dụ, sáng nay tôi nhận kết quả test âm tính, nhưng chiều tôi về TP.HCM không may tiếp xúc với một ca F0 mà cơ thể không có biểu hiện gì bất thường, ngày mai tôi quay lại Đồng Nai đưa giấy này thì liệu chốt kiểm soát có phát hiện được không ?”, anh Trường nghi ngại.
Có mặt tại điểm xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, một nhân viên công ty đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, nếu không có kết quả âm tính thì nhà máy sẽ không cho vào làm việc.
“Mẫu test nhanh của tôi công ty quy định có hiệu lực trong 3 ngày. Chi phí xét nghiệm hết 300 ngàn. Chi phí đi lại từ công ty đến bệnh viện hơn 120 km mất khoảng 600 ngàn tiền xăng, phí cầu đường. Như vậy, tổng cộng tôi mất 900 ngàn cho 3 ngày.
Thời buổi làm ăn khó khăn, giờ muốn làm việc, lại phải tốn chừng ấy tiền, trong khi không biết hiệu quả phòng dịch thế nào. Cứ 3 ngày phải xin lại xét nghiệm, kéo dài thế này chắc tôi xin nghỉ việc”, anh này nói.
Trong khi đó, do phải chờ đợi lâu, một người phụ nữ không hài lòng trước cách phục vụ của nhân viên y tế Bệnh viện. Người phụ nữ cho biết, sau khi xét nghiệm có hỏi thời gian trả kết quả, nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể của nhân viên y tế tại đây.
“Chờ từ sáng đến giờ mới được test, làm xong không có giấy hẹn gì hết trơn. Tôi hỏi mấy giờ lấy kết quả thì họ nói, tự đi vào trong mà nhìn bảng. Giờ phải ra ngoài mua gì ăn trưa chứ chờ đợi 4-5 tiếng thế này, mệt mỏi lắm”, chị bức xúc.
Nguy cơ phát sinh ổ dịch
Theo quan sát, lượng người đến làm xét nghiệm quá đông nên tại các khu vực tiếp nhận, sàng lọc, lấy mẫu và chờ nhận kết quả ở các bệnh viện còn xảy ra cảnh chen lấn, lộn xộn. Tình trạng này khiến nhiều người lo ngại điểm xét nghiệm có nguy cơ phát sinh ổ dịch.
Đáng nói, trong chiều nay Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, người dân đến không thể đăng ký thực hiện test nhanh, lý do được nhân viên y tế đưa ra là bệnh viện đã quá tải và không nhận xét nghiệm riêng. Muốn có test nhanh, lấy kết quả sớm thì người dân cần tìm đến các cơ sở y tế tư nhân.
Các nhân viên y tế tại đây tư vấn cho người dân nên thực hiện test mẫu gộp Coronavirus Real-time PCR với chi phí 300.000 đồng/lượt và kết quả được trả sau 24 tiếng. Còn mẫu đơn test PCR có giá tới 734.000 đồng.
“Ví dụ có 5 người thực hiện chung mẫu gộp. Nếu có 1 trong 5 người có kết quả dương tính thì toàn bộ cả 5 người phải xét nghiệm lại. Đó là rủi ro của phương thức mẫu gộp này”, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai giải thích.
Tuy nhiên, cũng theo nhân viên y tế này, xét nghiệm PCR có lợi hơn vì có giá trị trên toàn quốc trong vòng 7 ngày, còn đối với phương pháp test nhanh (Covid Ag) sẽ tùy theo quy định của từng địa phương. Có tỉnh cho hiệu lực xét nghiệm nhanh có giá trị 3 ngày, có nơi lại cho hiệu lực 7 ngày.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra công văn đề nghị từ 0 giờ ngày 05/07, những người từ TP.HCM, Bình Dương khi đến/về Đồng Nai phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Theo thông báo từ Sở Y tế tỉnh này, người dân có thể thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh hoặc PCR mẫu đơn, PCR mẫu gộp đều được, miễn là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày theo quy định.
Hiện toàn tỉnh Đồng Nai có 3 đơn vị vừa có thể xét nghiệm bằng test nhanh SARS-CoV-2 vừa có thể xét nghiệm sàng lọc, khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time PCR là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.