Đổ xô mua hương liệu xông Covid-19, cẩn trọng lợi bất cập hại

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số ca F0 tại Hà Nội tăng cao, nhu cầu mua hương liệu xông hỗ trợ điều trị Covid-19 của người dân tăng đột biến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho rằng, xông không có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19 cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh.

Liên tục "cháy" hàng

Từ giữa tháng 2 tới nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội. Ghi nhận ngày 3/3 cho thấy, Hà Nội đã có 18.661 ca nhiễm. Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngoài các mặt hàng nhu yếu phẩm và vật tư y tế được nhiều người dân mua, hương liệu dùng để xông hỗ trợ điều trị Covid-19 của người dân tăng đột biến.

Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng như: Sả, gừng, chanh, lá tía tô… đều được người dân mua số lượng lớn. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương tại chợ Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Nửa tháng trở lại đây, lượng khách hàng đến mua các hương liệu xông ngày càng nhiều hơn. Tôi đã nhập hàng gấp 3-4 lần vẫn bán hết.

Cũng theo tiểu thương này cho biết, do nhu cầu tăng cao nên giá các mặt hàng này cũng tăng hơn so với trước. Cụ thể như giá chanh từ 20.000 đồng lên 30.000-40.000 đồng/kg. Gừng tăng lên từ 25-30.000 đồng lên 40.000-50.000 đồng/kg. Sả từ 10.000 đồng lên 25.000-30.000 đồng/kg. Tía tô 15.000-20.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg…

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các loại hương liệu dùng để xông tăng đột biến.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các loại hương liệu dùng để xông tăng đột biến.

Trên các hội nhóm, chợ cư dân, các loại mặt hàng này cũng “đắt hàng”. Chị Nguyễn Hải Yến (cư dân tại chung cư Goldmart City, Hồ Tùng Mậu) cho biết: Từ sau Tết, dịch bùng phát mạnh, nắm bắt được nhu cầu của người dân đối với mặt hàng này, chị đã nhập nhiều các loại tinh dầu sả, quế, chàm và bán thêm các loại hương liệu cả tươi và khô để phục vụ cư dân.

“Mỗi ngày tôi cũng bán được 20-30 đơn. Vì lượng F0 tăng mạnh nên nhiều người cũng có tâm lý ngại ra ngoài và muốn mua hàng online nhiều hơn. Đa số khách hàng thích mua các loại hương liệu tươi dùng để nấu nước xông, vì thế giá các loại này cũng đắt hơn, giá nhập tại nguồn cũng cao hơn so với thời điểm trước” - chị Yến cho hay.

Trên diễn đàn mạng, hình ảnh các nồi xông thảo dược, tinh dầu đang được nhiều nhiều F0 điều trị tại nhà chia sẻ và xem đây là biện pháp hữu hiệu. Theo chia sẻ của các F0, việc xông hơi giúp họ cảm thấy dễ chịu và giảm các triệu chứng như sổ mũi, đau đầu hơn. Nhiều người còn xông trên 3 lần/ngày. Thậm chí, một số tài khoản cá nhân còn giới thiệu các bài thuốc thảo dược xông hơi có thể giúp chữa khỏi Covid-19 chỉ sau 5 - 7 ngày.

Xông không có tác dụng ngăn ngừa, điều trị Covid-19

Trước việc người dân đổ xô đi mua hương liệu xông “vô tội vạ” phòng ngừa và điều trị Covid-19, theo TS.BS Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho rằng, mọi người nên hiểu mục đích của phương pháp xông là cách vệ sinh mũi họng, giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, đồng thời giúp cải thiện các triệu chứng vùng mũi họng.

Do xông hơi là chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào, vì vậy chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đàm... Theo đó, xông không có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19 cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh.

Cũng theo TS.Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành cũng cho biết, việc xông lá, thực vật có hoạt chất kháng khuẩn, kháng viêm... có tác dụng làm giảm một số triệu chứng cảm, sốt do tác dụng nhiệt độ kết hợp với hoạt chất có khả năng khử trùng các vi khuẩn trên bề mặt các niêm mạc đường thở, trên da, làm tăng cường tuần hoàn... Do vậy, người bị cảm thông thường xông sẽ có tác dụng.

Tuy nhiên, việc xông lá cũng có nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác. Trong các báo cáo từ các nước châu Á mà người dân hay dùng xông hơi để tự chữa bệnh ở nhà thì các trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi khá phổ biến. Ngoài nguy cơ tai nạn việc xông cũng có nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus.

Theo lý thuyết ở nhiệt độ cao 60-70 độ C, thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường giảm đi đáng kể. Nhưng khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào. Vì thế, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước.

Theo các bác sĩ, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng

Theo các bác sĩ, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng

Như vậy, với việc xông không đúng thời điểm, vô tình sẽ tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus. Các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt cũng dễ bị nhiễm virus hơn bình thường, nên việc xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể. Ngoài ra, hơi nước đọng lại trên bề mặt đường thở sau đó có thể kéo theo một số virus còn khả năng lây xuống các vị trí sâu hơn, lợi bất cập hại.

Bên cạnh đó, việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa mắc virus, đặc biệt là không gian nhỏ có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh và bám trên các bề mặt và tăng cơ hội lây lan của virus.

Với những lý do này, việc xông hơi cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng, nên tránh khi nhà mới có người nhiễm virus. Việc xông chỉ nên thực hiện khi đã âm tính cả rồi thì có thể thực hiện để cải thiện các triệu chứng kéo dài.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, xông mũi họng không có hại, nhưng phải được làm đúng cách. F0 chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió, chỉ xông mũi họng và mỗi lần không quá 20 phút, ngày chỉ cần xông 1 lần. Việc người dân lạm dụng xông hơi trong quá trình tự điều trị Covid-19 sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

Đặc biệt, để phòng Covid-19, việc thực hiện đúng 5K là rất quan trọng. Mọi người cần ăn uống đủ chất, luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng. Trong trường hợp là F0 nên thực hiện theo các hướng dẫn của thầy thuốc.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/do-xo-mua-huong-lieu-xong-covid-19-can-trong-loi-bat-cap-hai-172833.html