Đóa hồng của ngành Giáo dục mầm non Đakrông
10 năm liền đạt danh hiệu 'Giáo viên dạy giỏi' cấp huyện, 2 năm đạt 'Giáo viên dạy giỏi' cấp tỉnh cùng gần 20 danh hiệu, giải thưởng tại các cuộc thi về sáng tạo trong dạy học là một thành tích đáng nể đối với một giáo viên người đồng bào dân tộc Vân Kiều chỉ với thâm niên công tác vỏn vẹn 10 năm cắm bản, đứng lớp. Cô là Hồ Thị Táo, 31 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Tà Rụt, huyện Đakrông.

Cô giáo Hồ Thị Táo luôn sáng tạo trong các môn học, đặc biệt là các môn tạo hình, làm đồ chơi cho học sinh
Chọn nghề vì mến trẻ
Kể về bản thân, cô Hồ Thị Táo cho biết mình là người con thứ ba trong một gia đình có sáu anh chị em ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông. Ba mẹ cô đều là cán bộ, viên chức nhà nước. Các anh chị em trong nhà đều được ba mẹ chăm sóc, nuôi dạy và ăn học tử tế, trong đó có 4 người theo ngành Sư phạm. Từ môi trường giáo dục của gia đình, cô Hồ Thị Táo đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên dạy văn. Tuy nhiên, ước mơ đó vụt tan biến trong cô khi một lần tình cờ đến thăm chị gái đang dạy học tại Trường Mầm non số 2 Đakrông. Những gương mặt, ánh mắt trong trẻo, nụ cười hồn nhiên của trẻ cứ bám ríu theo cô giáo như theo mẹ hiền, cảm xúc về nghề giáo viên mầm non trong em cứ trào dâng”, cô Hồ Thị Táo chia sẻ.
Từ đó, cô nuôi ước mơ trở thành cô giáo mầm non. “Khi đã theo học tại Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, sợ công việc vất vả, nhiều lần gia đình hướng cho em đến một trường đại học khác với cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn nhưng em một mực từ chối”, cô Táo nhớ lại. Bởi theo Hồ Thị Táo, vì yêu trẻ, yêu ánh mắt, nụ cười của con trẻ và thấu hiểu nỗi vất vả của học sinh vùng cao, trong đó có tuổi thơ của mình khiến khát khao được làm giáo viên mầm non để giúp cho những đứa trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có được những bài học hay, những kĩ năng vỡ lòng đã thôi thúc cô quyết tâm theo nghề và nỗ lực không ngừng để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mầm non ở vùng cao.
Dạy giỏi vì yêu trẻ
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp khoa Giáo dục mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cô Hồ Thị Táo được phân công về công tác tại Trường Mầm non Tà Rụt. Khi mới nhận công tác, cô được phân công dạy nhóm trẻ 2-3 tuổi, lúc này giữa kiến thức được học và thực tiễn có nhiều khoảng cách do điều kiện của trẻ em vùng cao khác vùng đồng bằng nên cô phải học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước. Để bắt nhịp với công việc, cô Hồ Thị Táo phải tự học tiếng Pa Kô vì phần lớn học sinh nơi đây là người Pa Kô, trong khi cô là người Vân Kiều. Việc thông thạo ngôn ngữ của người Pa Kô giúp cô Táo hiểu hơn về học sinh của mình, đặc biệt là những học sinh có tính nhút nhát, qua đó cô trò hiểu nhau và hơn hết cô có thể truyền được cảm hứng cho học sinh trong từng tiết học.
Nhận thấy năng lực vượt trội của cô Hồ Thị Táo, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công cô sang dạy nhóm trẻ 5-6 tuổi, lúc này những kĩ năng sáng tạo trong dạy học của cô Táo bắt đầu được phát huy. “Đây là khối lớp rất quan trọng của bậc học mầm non, giúp trẻ có đủ các kĩ năng trước khi bước vào lớp 1. Em cũng từng là một học sinh mầm non vùng cao, thấu hiểu hết những thiệt thòi của học sinh nơi đây. Vì vậy, em đã đầu tư thời gian, nghiên cứu để xây dựng các giáo án phù hợp, có tính thực tiễn cao, tạo sự hứng thú để học sinh dễ dàng tiếp cận”, cô Táo chia sẻ. Từ những hòn đá ở suối, những lá cây rừng, cô Táo đều nhặt về sáng tạo ra đồ dùng dạy học, đồ chơi cho học sinh trong các môn học như môn tạo hình… Bên cạnh đó, cô còn kết hợp công nghệ thông tin vào giảng dạy và tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ.
Trong 3 năm học, từ 2016 - 2019, cô Hồ Thị Táo đã xây dựng 3 đề tài sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học được Hội đồng chuyên ngành huyện Đakrông xếp loại A gồm: “Một số biện pháp giúp trẻ mẫu giáo lớn học tốt môn tạo hình”, “Một số giải pháp tổ chức tốt hoạt động làm quen với văn học cho trẻ mẫu giáo lớn”, “Một số biện pháp xây dựng tốt môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm bên trong lớp học”, qua đó được Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng về thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục vận động cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”.
Ngoài giờ lên lớn, cô thường xuyên đến từng gia đình để vận động phụ huynh đưa con em trong độ tuổi đến trường; phối hợp với các bậc phụ huynh để phổ biến kiến thức nuôi dạy con theo khoa học; việc thực hiện các mục tiêu giáo dục trẻ em, từ đó chất lượng giáo dục mầm non ở khu vực xã Tà Rụt có những đổi thay đáng kể.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Rụt Nguyễn Thị Hằng Minh cho biết: “Cô giáo Hồ Thị Táo là một giáo viên có năng lực, luôn nỗ lực vì trẻ thơ. Trong công việc, cô luôn chu toàn, các nhiệm vụ được giao luôn hoàn thành xuất sắc. Mỗi tiết học của cô đều có sự đầu tư công phu và sáng tạo. Đặc biệt, cô Hồ Thị Táo là một hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ, các hoạt động công đoàn của ngành Giáo dục mầm non huyện Đakrông nói chung và xã Tà Rụt nói riêng. Với những thành tích trong công tác, cô Hồ Thị Táo được UBND tỉnh tặng bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều giải thưởng, khen thưởng của các cấp, ngành”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143510