Đóa Hồng trà nở muộn
Chị ngồi nhìn mưa bụi bay trắng tóc. Bên kia đường dãy hàng hoa nối dài con đường đẹp nhất thành phố của chị, người bán người mua tấp nập. Những mẹ, những con xúng xính áo dài, váy trắng, com-lê, cà vạt chụp ảnh vui xuân. Cái rạng rỡ của con người xua đi chút ảm đạm cuối cùng của một mùa sắp cũ.
Chị vẫn ngồi lặng lẽ trong một quán cà phê đối diện con đường hoa này. Thời gian qua từng giọt cà phê đen nồng thơm tí tách rơi trong cái phin bé xíu màu ngà. Thỉnh thoảng chị chăm chắm nhìn qua bên kia đường. Ba năm rồi, chị đều đến đây, ngồi mà không mua hoa cũng không sắm tết. Với chị, từ ngày đó tết không còn, mùa xuân thực sự không trọn vẹn về trong ngôi nhà của chị.
Phía bên kia đường, người đàn ông cao gầy, trầm ngâm và khắc khổ vẫn ngồi bên chậu hồng trà. Cũng 3 năm rồi người ấy vẫn ngồi đó, chỉ bán duy nhất một chậu hồng trà. Không, chính xác là đợi bán. Bao nhiêu người đến hỏi thì đều nhận được bấy nhiêu cái lắc đầu. Trong mưa lạnh, anh ta khẽ kéo cao cái cổ áo len. Khuôn mặt rắn rỏi với vài lọn tóc bồng bềnh dường như năm nay ướt nước hơn những năm trước. Đôi mắt buồn cứ đau đáu nhìn dòng người qua lại.
Chị ngồi đó, tĩnh lặng, không bỏ sót bất cứ một cử động nào của người đàn ông xa lạ nhưng trong lòng chị, sự giằng xé như sóng, như sông, như muốn xé tan chị ra. Ra gặp hay không ra gặp? Nhớ lần đầu tiên nhìn thấy lại anh ta, chị đã muốn nhảy xổ ra mà cào cấu, gào thét vào khuôn mặt ấy. Nhưng chị không có bất kì bằng chứng gì buộc tội anh ta. Vả, chị sợ phải đối diện với sự ngu xuẩn của mình, sợ đám đông sẽ cười vào mặt chị như một người đàn bà tàn ác. Anh ta vẫn ngồi tĩnh lặng, không mời chào, khách đến mua anh ta đều lắc đầu không bán kể cả những người khách trông giàu có và chịu chơi. Và nếu ra gặp anh ta thì sẽ nói gì. Nếu hôm nay chị không ra liệu có cái tết thứ tư, thứ năm thấy anh ta ngồi đây không? Còn nếu ra, câu hỏi suốt hàng ngàn ngày chị đã hỏi ai sẽ trả lời?
Sẩm tối, khách mua hoa dường như đã vãn. Thì cũng đúng thôi, đã là đêm 30 rồi. Ai cũng có một mái nhà để về, ai cũng có một người thân đợi cửa, ai cũng có một cỗ cúng tất niên. Không thể dằn lòng mình hơn, chị sốc lại cái áo dạ màu đen, quàng thêm cái khăn quàng cổ màu mận mà chị rất ưa quàng. Bộ trang phục này, chị đã mặc đúng chiều 30 tết năm ấy. Từng bước chân nặng như đá tiến về phía anh ta. Những bước chân nửa muốn bước nhanh nửa muốn trốn chạy. Nhưng không hiểu sao chị vẫn bước tới. Đằng nào thì cũng phải đối diện nhau một lần. Kẻ dối trá! Càng gần anh ta, tim chị càng run lên phẫn uất. Có một đôi mắt trẻ con trong veo đầy nước đang nhìn chị.
Anh thốt nhìn lên, bốn mắt chạm nhau. Chị nhận thấy vẻ bàng hoàng lẫn mừng vui trong đôi mắt ấy. Là một đôi mắt màu nâu, đôi mắt màu chim sẻ đồng, một đôi mắt trung thực. Vậy mà...!
Bên cạnh anh, cây hồng trà vẫn đẹp lạ lùng. Tán to vừa phải, thế huyền mềm. Những nụ hoa màu hồng phấn dải đều như gắn trên cành. Vài đóa đã kịp bung, khoe nhụy vàng lấp lánh. Chị nhớ mùa xuân ấy, cũng một cây hồng trà như thế này. Chị nhớ, trước khi lái xe đi với niềm phấn khích vô biên, chị còn kịp đọc cho anh ta nghe hai câu Kiều.
“Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ, đường đi lối về”.
Giờ, anh ta đứng đây, không thốt nên lời, hai bàn tay đan vào nhau và đôi mắt sẻ đồng như loáng nước. Đời chị, chỉ một lần thấy đàn ông khóc. Là đôi mắt ngoại khi run run đưa tay vuốt mắt cho bà và giờ là anh ta. Chợt tất cả những hùng hổ, căm hận ban đầu dịu xuống, dịu xuống... Như chiếc bong bóng căng cứng bị chọt một lỗ kim châm. Chị chỉ hỏi, rất điềm nhiên: “Tại sao”? Chị cũng không biết mình đã thốt thành lời hay chưa. Chỉ thấy âm âm câu hỏi ấy trong đầu, câu hỏi hàng ngàn lần chị đã hỏi. Đôi mắt mênh mông kia nhìn chị, cất tiếng: “Chúng ta ngồi ở đâu đó được không?”- một giọng khàn. Vẫn cái giọng trầm nhất mà chị từng nghe cách đây ba năm. Không hiểu sao chị quyết định rất nhanh, về nhà chị. Chị muốn lời giải thích của anh ta chính là lời xin lỗi chị chưa nói với con. Và chị muốn, anh phải nhìn thẳng vào đôi mắt con chị, đôi mắt đứa trẻ trong veo, trong veo chưa từng biết dối.
Căn nhà nhỏ lọt thỏm trong những tầng cao. Chiều 30, đã thấy đủ đầy cho một buổi chiều tất niên. Chỉ có điều không hoa. Anh ta đón cốc trà nóng từ tay chị, gió xào xạc lùa thông thống trong căn nhà trống. Anh ta không nhìn chị, anh ta kể như nói với lòng mình, kể như một lời tự thú: “Năm ấy, con trai tôi bị bệnh, một căn bệnh hiểm nghèo. Tôi cứ nghĩ chắc là cháu chỉ đau bụng bình thường, cùng lắm ra bệnh viện trung ương điều trị là sẽ khỏi. Trước lúc ấy, tôi chưa từng biết trẻ con cũng có thể bị ung thư. Là một ngày đầu tháng 9, chính xác là mùng 5 tháng 9 – ngày khai giảng năm học cũng là ngày sinh nhật của con. Tôi tổ chức sinh nhật cho con trong căn phòng nhỏ. Con kịp ăn vài miếng bánh gato sau đó chúng tôi lên tàu. Con mệt mỏi ngả vào vai tôi nhưng vẫn nói: “Tàu chạy trên đá hả bố”? Sau này con rất thích đi tàu. Hình như con biết mỗi lần được đi tàu là con được về nhà gặp ngoại, gặp mẹ. Vì vậy, những lúc lên tàu con rất vui. Tôi ôm con vào lòng. Chúng tôi cạn tiền sau mỗi đợt hóa trị nên thường chọn đi toa đen. Tôi xin người bên cạnh ngồi lui vào một chút rồi trải chăn cho con nằm ngủ. Còn tôi thì ngồi dưới đất nhìn con. Những lúc ấy, tôi thường khóc vì tôi biết những giây phút yên bình được ngắm nhìn con sẽ không con bao lâu nữa”.
Ánh mắt anh ta đã loang nước. Anh ta nhìn tôi và đột ngột hỏi: “Chị có hình dung ra được không? Dù là đàn ông nhưng trước kia mỗi lần đưa con đi tiêm phòng thôi, tôi đều muốn rơi nước mắt khi thấy kim tiêm chọc vào da thịt con mình. Nhưng lúc ấy, hơn nửa năm trời tôi không rơi một giọt nước mắt nào trước mặt con. Tôi chỉ khóc khi con tôi đã ngủ. Tết năm đó, năm tôi gặp chị là đợt truyền cuối cùng, đợt truyền thứ sáu của con sẽ hết phác đồ điều trị. Tôi không còn gì trong tay chị ạ. Hai vợ chồng giáo viên nghèo, vẫn còn ở tập thể, đồng nghiệp giúp đỡ ít nhiều nhưng không thể trụ được những chi phí mà tôi phải trả. Tết ấy, kiểu gì con tôi cũng phải có tiền đi. Tôi không thể nhìn con héo mòn mà không chạy chữa. Dù tôi biết khả năng chữa trị không cao. Sau này nghĩ lại, tôi vẫn thấy cái may mắn nhất là khi cháu ra đi, trong túi tôi vẫn còn vài triệu bạc. Không phải là tôi hết tiền mà con tôi chết.
Sau này tôi cứ nghĩ chắc là lúc đó tôi đang tự chữa cho lương tâm mình. Ông ngoại tôi là người chơi cây cảnh có tiếng. Thương cháu, những cây thế trực, thế huyền ông giữ như sinh mạng cứ lần lượt bán đi quy thành thuốc kích bạch cầu, thành những bịch máu cho cháu. Rồi ngôi nhà nhỏ cũng cắm biển bán mà chưa có ai mua. Nhưng con tôi cần tiền để đi tiếp, đi ngay chị ạ. Góc vườn chỉ còn một cây hồng trà là kỉ vật của bà tôi để lại. Nhưng vốn cây hồng trà là loài cây chỉ báo tin vui. Năm ấy chẳng hiểu sao nó không đơm một nụ. Mà con tôi đến ngày phải nhập viện trở lại rồi. Chị hiểu không”? Đôi vai anh ta rũ xuống. Tôi như cảm nhận được sức nặng ngàn cân đang giày vò anh ta. Một nhà giáo nhiều lòng tự trọng nên sức nặng ấy thành sông, thành biển. Tôi không nói, tôi ngồi im lắng nghe. Tôi sợ, mỗi âm thanh của tôi lúc này sẽ làm vỡ tan anh thành nước. Tôi lặng lẽ rót thêm chén trà nóng rồi đặt vào tay anh ta. Ngoài kia gió vẫn lùa xao xác. Tôi lờ mờ hiểu, tôi định ngăn anh ta lại. Nhưng kịp nhìn thấy tôi mấp máy câu an ủi, anh ta khẽ xua tay: “Chị để tôi nói tiếp. Không chị ạ, tôi tự thú. Trong cơn quẫn bách, tôi đã gắn những nụ hoa hồng trà lên thân cây bằng keo 502. Những nụ hoa rải đều hoàn hảo. Và tôi gặp chị. Cuối cùng thì con tôi vẫn bỏ tôi đi ngay chiều mùng 7 tết năm ấy. Cũng trên một chuyến tàu. Cháu không kịp về nhà để nằm trong căn phòng nhỏ. Trước khi đi cháu nhoài sang gọi bố và giơ bàn tay bé bỏng đầy vết kim chuyền lên vuốt má tôi. Và từ từ khép mi. Khi ấy tôi vẫn còn tiền chị ạ. Đó là điều an ủi tôi duy nhất.
Lo xong việc cho con, tôi mới đủ tĩnh trí để tìm hiều nguyên nhân. Thì ra cái thứ chất độc màu da cam, màu cỏ úa từ cha tôi trong những ngày vượt rừng đã tha cho thế hệ tôi, nhưng lại hiện hữu ở thế hệ thứ ba, con trai tôi. Vợ tôi khi biết tin này đã không chịu được áp lực quá lớn như thế. Cô ấy cũng xa tôi từ đó. Tôi lang thang quay lại nơi tôi đã bán cây hồng trà cho chị. Tôi thấy cây hoa vẫn được xếp gọn ở lề đường, những nụ hoa héo rũ. Những nụ hoa héo rũ và bàn tay của con tôi hay về trong những giấc mơ của tôi. Tôi đã đưa cây về trồng. Ba năm nay, chiều 30 là tôi mang cây ra đợi chị. Nhưng nếu chị không đến dù bao năm tôi vẫn đợi để nói lời xin lỗi”.
Tôi ngồi im, thấy lòng mình như giếng khơi vừa được gột rửa. Tôi đã đặt ra bao nhiêu tình huống cho ngày này. Tôi sẽ bắt anh quỳ xuống xin tha thứ. Tôi sẽ hét lên với anh ta rằng: “Tôi là mẹ đơn thân. Tôi chỉ có nó, nó là toàn bộ cuộc sống của tôi. Tôi chưa từng làm con tôi đau cho đến khi tôi mua cây hồng trà của anh. Chỉ sau vài ngày tất cả các nụ hoa đều héo rũ xuống gãy rời. Nhà chỉ có hai mẹ con, còn ai vào đây được nữa. Tôi còn đét vào tay con tôi mấy cái vì đã bẻ hết hoa của mẹ. Con ngơ ngác nhìn tôi vừa khóc vừa lao đi. Một chiếc xe ô tô chờ tới. Liền sau đó là những đợt chữa trị kéo dài. Đôi chân của con tôi cần rất nhiều thời gian cho những đợt vật lí trị liệu. Mỗi lần nhìn con tập tễnh lết đi tôi thấy như tim mình đang chết”. Và mọi căm hận chị dành cho anh chưa một phút nào nguôi. Chị đã tưởng tượng bao nhiêu tình huống. Và giờ chị chỉ khẽ rót cho anh một chén trà ấm. Anh không đáng để biết một bí mật đau đớn đến dường kia.
Nhiều ngày tháng sau, người ta thấy một người đàn ông không còn trẻ mái tóc hoa râm bồng bềnh, chiều nào cũng dắt một cậu bé tập đi trên quảng trường. Bàn tay nhỏ nhắn, tin cậy trong tay người đàn ông. Những bước chân cậu bé ngày càng vững chãi hơn qua ngày tháng.
Chiều tất niên năm nay, có một đôi mắt trong veo, trong veo cười vang vang: “Mẹ đừng buồn mãi về một nỗi buồn đã cũ”. Đóa hồng trà nở sớm lấp lánh trong đêm như báo tin vui. Một mùa xuân nữa lại về.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Hiền
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/truyen-ngan-doa-hong-tra-no-muon-503814.html