Đoàn 326 - đòn bẩy giúp dân vùng biên giới thoát nghèo

Với mục tiêu xây dựng vùng biên giới giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, Đoàn 326, Quân khu 2 đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế - quốc phòng, góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở bản làng vùng cao xóa đói, giảm nghèo.

Từ quê hương Phú Thọ lên nhận nhiệm vụ tại Đoàn 326, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng được phân công về công tác tại Đội sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 2, đảm nhiệm chức vụ Phó Đội trưởng, phụ trách địa bàn xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Đây là xã biên giới khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo còn cao; chính vì vậy, tập thể cán bộ, chiến sỹ trong Đội đã xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và hướng dẫn nhân dân làm theo nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập và đời sống.

Đoàn 326 đứng chân ở huyện Sốp Cộp (Sơn La), phụ trách 15 xã, thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Đoàn 326 đứng chân ở huyện Sốp Cộp (Sơn La), phụ trách 15 xã, thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng các mô hình, mục đích chăn nuôi là phục vụ cải thiện đời sống của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Ngoài ra, còn một mục đích lớn nữa là hướng dẫn bà con nhân dân đến tham quan các mô hình. Chúng tôi sẽ hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cho bà con về cách nuôi lợn, nuôi gà sinh sản như thế nào để cho đảm bảo phát triển; từ đó bà con sẽ nâng cao đời sống vật chất, xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Tại Đội sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 3, đứng chân trên địa bàn 2 xã Nậm Lạnh, Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, công tác dân vận, triển khai xây dựng các mô hình giúp bà con nhân dân cũng luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu.

Điển hình như mô hình trồng bưởi khảo nghiệm trên đất dốc của đơn vị, sau 3 năm đã cho thu hoạch quả ngọt, được thương lái đến tận vườn thu mua với giá trung bình từ 15 – 25.000đ/kg. Mô hình mới này đang được kỳ vọng sẽ giúp bà con nhân dân nơi đây thay đổi cơ cấu cây trồng và thoát nghèo. Cùng với đó là các mô hình chăn nuôi cá, nuôi lợn sinh sản.

Triển khai các mô hình trình diễn tập trung tại đơn vị để nhân dân đến tham quan, học hỏi.

Triển khai các mô hình trình diễn tập trung tại đơn vị để nhân dân đến tham quan, học hỏi.

Ông Tòng Văn Piêng, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp cho hay: “Đối với các hộ tham gia phối hợp triển khai các mô hình phát triển kinh tế thì cũng đạt được những hiệu quả nhất định. Ví dụ như là sản lượng cá hàng năm của các hộ tham gia thì cũng tăng lên. Đối với dự án lớn thì số lượng đàn cũng tăng lên, từ đó thì cũng góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo đã giúp cho hộ dân là ngày càng có kinh tế ổn định.

Đứng chân trên địa bàn 15 xã, thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, Đoàn 326, Quân khu 2 đã xác định và nhận rõ những thuận lợi, khó khăn của vùng, từ đó đề ra nhiều giải pháp trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 4 – 5% mỗi năm; phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tại huyện Sốp Cộp xuống dưới 20%.

Đại tá Đinh Minh Khuê, Đoàn trưởng Đoàn 326, Quân khu 2 cho biết, Đoàn đã và đang triển khai trên 70 mô hình phát triển kinh tế; trong đó có hơn 40 mô hình tại các cơ quan, đơn vị; gần 30 mô hình liên kết với nhân dân; 5 mô hình trình diễn tập trung.

Những mô hình kinh tế được triển khai phù hợp với tình hình thực tế, đã giúp đời sống nhân dân vùng biên thay da, đổi thịt.

Những mô hình kinh tế được triển khai phù hợp với tình hình thực tế, đã giúp đời sống nhân dân vùng biên thay da, đổi thịt.

Đại tá Đinh Minh Khuê, Đoàn trưởng Đoàn 326, Quân khu 2 cho biết: “Trong nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ và nghị quyết lãnh đạo hàng năm của Đảng ủy Đoàn đều xác định các chỉ tiêu công tác dân vận. Cụ thể, hàng năm mỗi đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị tham gia giúp nâng cao chất lượng hoạt động của 3 đến 4 giờ tổ chức chính trị xã hội ở trên địa bàn; giúp 7 đến 10 hộ nghèo; từ 1 đến 2 bản thực hiện một số nội dung về xây dựng nông thôn mới; giúp các xã kết nạp từ 1 đến 2 Đảng viên mới”.

Những mô hình kinh tế được triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn, cùng sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của cán bộ, nhân viên Đoàn 326 đã tạo sự đổi thay về nếp nghĩ, cách làm cho người dân, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng dự án từng bước hoàn thành tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương, nhất là các địa bàn vùng cao biên giới.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/doan-326-don-bay-giup-dan-vung-bien-gioi-thoat-ngheo-post1143522.vov