Đoàn bác sĩ chuyên khoa II ghi nhận thực tế quy trình xử lý chất thải rắn tại VWS

Ngày 27-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã tổ chức cho đoàn 13 bác sĩ chuyên khoa II đang công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn ở TPHCM.

Được biết, trong đoàn có các học viên đang theo học lớp Quản lý y tế trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Họ đã có chuyến tham quan thực tế về quy trình xử lý chất thải rắn và công tác bảo vệ môi trường tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư và vận hành. Mục đích của chuyến tham quan thực tế nhằm nâng cao công tác đào tạo gắn kết với thực tiễn cho đội ngũ bác sĩ chuyên ngành của thành phố.

Xe đưa đoàn bác sĩ tham quan các nhà máy vận hành xử lý chất thải tại VWS

Xe đưa đoàn bác sĩ tham quan các nhà máy vận hành xử lý chất thải tại VWS

Ông Kevin Moore – Giám đốc điều hành công ty VWS đã giới thiệu về quá trình thành lập và các quy trình xử lý chất thải tại Khu Liên hợp: Nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy sản xuất phân compost, nhà máy tái chế …

Đoàn bác sĩ tìm hiểu về quy trình xử lý nước rỉ rác tại VWS

Đoàn bác sĩ tìm hiểu về quy trình xử lý nước rỉ rác tại VWS

Theo đó, Công ty VWS mỗi ngày tiếp nhận và xử lý từ 6.000 - 6.500 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý tương đương 70% tổng lượng rác của toàn thành phố. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, điện…

Nước rỉ rác trước và sau khi được xử lý bằng công nghệ nano

Nước rỉ rác trước và sau khi được xử lý bằng công nghệ nano

Trước câu hỏi "bãi chôn lấp rác có gây ảnh hưởng đến nguồn nước hay không?", ông Kevin Moore khẳng định: “Ngay từ khi công ty bắt đầu có ý định đầu tư cũng như triển khai xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, thì yêu cầu căn bản nhất là nền móng của bãi chôn lấp phải được thiết kế và xây dựng theo công nghệ của Mỹ. Trước khi xây dựng bãi chôn lấp, nơi đây là vùng đất sình lầy, hoang hóa và không có giá trị cho lợi ích dân sinh. Công ty VWS đã thuê đội ngũ chuyên gia rà phá bom mìn, đào xới và nhổ bỏ tận gốc 100 % rễ cây, bảo đảm không còn một gốc rễ cây nào còn có thể trụ lại để tránh đâm thủng lớp lót vải địa kỹ thuật phòng hờ nước rỉ rác không thoát ra ngoài và không gây ảnh hưởng mạch nước ngầm. Nước rỉ rác sẽ được bấc thấm ngang và bấc thấm dọc đưa về hệ thống ống ngầm thu gom nước rỉ rác và đưa về nhà máy xử lý. Các công đoạn thi công theo một quy trình chặt chẽ của công nghệ Mỹ, đảm bảo kỹ thuật cao nhất.”

Đoàn bác sĩ tham quan nhà máy thu khí gas từ bãi rác đốt phát điện

Đoàn bác sĩ tham quan nhà máy thu khí gas từ bãi rác đốt phát điện

Sau đó, các bác sĩ đã trực tiếp đi tham quan bãi chôn lấp, dây chuyền sản xuất phân compost, nhà máy xử lý nước rỉ rác... Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS đã giải đáp tất cả những câu hỏi về công tác thu gom, tiếp nhận và xử lý rác tại VWS.

Lần đầu tiên tham quan khu chôn lấp rác cũng như quy trình xử lý, tái chế rác tại công ty VWS, BS Lê Điền Trung - học viên lớp chuyên khoa II quản lý y tế trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, rất bất ngờ vì sự bài bản trong từng khâu xử lý rác.

Theo BS Trung, trước khi tận mắt thấy bãi chôn lấp rác cũng như quy trình xử lý, mọi người đều cho rằng rác khi được đem đến đây sẽ đổ xuống hố và dùng đất phủ lên, chỉ đơn giản vậy thôi chứ không nghĩ rằng đằng sau đó là một quy trình công nghệ khép kín. Sau khi tham quan, suy nghĩ đó đã thay đổi.

Nhân viên Công ty VWS chia sẻ về quy trình thu khí gas từ bãi rác để đốt phát điện

Nhân viên Công ty VWS chia sẻ về quy trình thu khí gas từ bãi rác để đốt phát điện

“Tại bãi rác, quy trình triển khai từ cách thu gom, xử lý rất chặt chẽ. Bên trong bãi rác rất sạch sẽ, mọi dây chuyền vận hành đều khép kín. Điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Qua chuyến tham quan, chúng tôi hiểu được thành phố, doanh nghiệp đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường. Để nhà máy hoạt động ở khâu cuối nguồn được tốt thì ngay từ đầu nguồn, ý thức của người dân đến cơ quan, đơn vị phải chặt chẽ. Từ đó, việc vận hành nhà máy sẽ thuận lợi, công suất sẽ phát huy hơn”, BS Trung nói.

Hàng năm, HCDC đều hướng dẫn thực tập về công tác quản lý chất thải, thường chọn địa điểm cho các học viên đến thực tập. Các học viên rất mong muốn được tham quan Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Đại diện HCDC cho biết, mục đích của chuyến khảo sát là để các bác sĩ nắm về quy trình xử lý rác sinh hoạt của VWS - một trong những khu xử lý rác có công nghệ hiện đại và bài bản nhất hiện nay tại Việt Nam. Thông qua chuyến khảo sát, các bác sĩ sẽ có thêm các thông tin thực tế để góp phần tuyên truyền cho người dân và nhân viên y tế trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

QUANG KHOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doan-bac-si-chuyen-khoa-ii-ghi-nhan-thuc-te-quy-trinh-xu-ly-chat-thai-ran-tai-vws-post699331.html