Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh

Chiều 3/8, đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến tìm hiểu, khám phá về văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Chương trình do Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhằm quảng bá các điểm tham quan, du lịch tỉnh Quảng Ngãi và giới thiệu về Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh tới các cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Chương trình diễn ra từ ngày 3-6/8.

Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)

Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam khám phá văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)

Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí, được hình thành đỉnh cao văn minh vào thời kỳ đồ sắt có niên đại từ 500 năm trước Công nguyên. Văn hóa này kết thúc ở thế kỷ II sau Công nguyên, có nguồn gốc hình thành phát sinh và phát triển từ các văn hóa tiền Sa Huỳnh trước đó thuộc Sơ kỳ đồng thau, Trung kỳ đồng thau (khoảng 1.500-500 trước công nguyên).

Phân bổ của văn hóa Sa Huỳnh là ở miền Trung Việt Nam, phía Bắc giao thoa với Văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình, phía Nam giao thoa với văn hóa Đồng Nai ở Bình Thuận, phía Tây là rìa Tây Nguyên, vùng thung lũng Đông Trường Sơn, phía Đông vươn ra đảo gần bờ.

Hình thức cơ bản của văn hóa Sa Huỳnh là mộ chum chôn thành khu nghĩa địa lớn, đồng thời cũng tìm thấy mộ vò, mộ đất tại các khu mộ táng văn hóa Sa Huỳnh. Đồ trang sức đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh là khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi mã não, vòng tay được chế tác từ đá quý, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể biển.

Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam nghe thuyết minh về văn hóa Sa Huỳnh (Ảnh: L.C)

Đoàn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam nghe thuyết minh về văn hóa Sa Huỳnh (Ảnh: L.C)

Chia sẻ tại buổi tìm hiểu, TS. Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cư dân Sa Huỳnh chính là chủ thể tạo ra văn hóa này. Đây là nền văn hóa bản địa, không du nhập từ nơi khác đến.

Theo TS. Đoàn Ngọc Khôi, qua nhiều cứ liệu minh chứng, tỉnh Quảng Ngãi được xem là cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh. Trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, hiện đã có 26 di tích được khai quật. Vùng lõi văn hóa Sa Huỳnh cần được bảo vệ đặc biệt rộng hơn 1.600 ha gồm: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Di tích Thạnh Đức, Di tích Phú Khương, Quần thể di tích Champa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê, lạch An Khê - sông Cửa Lỗ.

TS. Đoàn Ngọc Khôi nhấn mạnh: "Ngày 24/3, Quảng Ngãi đã vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh. Điều này giúp tỉnh có thêm động lực để tiếp tục công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Thời gian tới, để phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Qua đó, xây dựng Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, biển, đảo độc đáo".

TS. Đoàn Ngọc Khôi (bên trái), Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)

TS. Đoàn Ngọc Khôi (bên trái), Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)

Văn hóa Champa trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: L.C)

Văn hóa Champa trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: L.C)

Hàng trăm hiện vật, tư liệu trưng bày tại tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, giúp du khách có cái nhìn sơ lược về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)

Hàng trăm hiện vật, tư liệu trưng bày tại tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, giúp du khách có cái nhìn sơ lược về văn hóa Sa Huỳnh. (Ảnh: L.C)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doan-bao-chi-nuoc-ngoai-thuong-tru-tai-viet-nam-kham-pha-van-hoa-sa-huynh-237051.html