Đoàn Bộ Ngoại giao dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị
Ngày 30/7, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao và đoàn công tác Bộ Ngoại giao đã dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị.
Tham gia đoàn có các đồng chí Thứ trưởng Ngoại giao: Hà Kim Ngọc và Phạm Quang Hiệu; các đồng chí Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao: Nguyễn Minh Vũ, Lê Thị Thu Hằng, Nguyễn Minh Hằng và Đỗ Hùng Việt; đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Trần Ngọc An và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các thành viên trong Đoàn đã thành kính dâng hương hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước; bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, cầu chúc cho hương linh các liệt sĩ được siêu thoát chốn vĩnh hằng và khẳng định tên tuổi, sự hi sinh cao cả của các anh sẽ trường tồn cùng non sông, đất nước.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Nghĩa trang là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ; có tổng diện tích 140.000m2; là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.
Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập binh đoàn Trường Sơn (19/5/1959-19/5/1999), Đảng và Nhà nước đã quyết định cho nâng cấp, tôn tạo lại nghĩa trang Trường Sơn.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta.
Nghĩa trang là nơi để các gia đình liệt sĩ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn.
Ghi sổ lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã viết "Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao vô cùng xúc động đến thăm và thành kính thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, thay mặt Đoàn, tôi xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và máu xương của mình cho độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất Tổ quốc.
Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ Ngoại giao nguyện tiếp bước con đường và lý tưởng mà các anh đã lựa chọn, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại, nỗ lực góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc”.
Tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Tại Thành cổ Quảng Trị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các thành viên trong Đoàn đã thành kính dâng hương hoa tri ân những người lính, mà trong đó đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã không quản ngại hy sinh, chiến đấu chốt giữ Thành cổ, nơi mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được viết bằng máu đỏ.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chính quyền Mỹ-Ngụy coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam. Nhưng phòng tuyến đó đã bị quân đội ta chọc thủng vào ngày 1/5/1972, buộc quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng gồm hơn 10 vạn dân.
Ngày 13/6/1972, địch quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị” mang mật danh “Lam Sơn 72”. Để chắc thắng, địch đã huy động 4 sư đoàn mạnh nhất, trong đó có toàn bộ sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng cơ động chiến lược. Lực lượng tham gia chiến dịch tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị không quân, pháo hạm của Mỹ.
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn.
Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cho Bắc-Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Giờ đây, 50 năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ghi sổ lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã viết "Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao vô cùng xúc động và thành kính thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến lịch sử 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị.
Chúng tôi không bao giờ quên và mãi khắc ghi sự hy sinh cao cả của các Anh đã làm nên bản Anh hùng ca bất diệt, làm nền tảng quan trọng cho thắng lợi của ta trên bàn đám phán, buộc Mỹ phải ký Hiện định Paris năm 1973, ở đầu cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chúng tôi nguyện sẽ sống, làm việc và cống hiến hết sức mình để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các Anh”.
Một số hình ảnh Đoàn Bộ Ngoại giao dâng hương hoa, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị: