Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc
Sáng 8/8, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương cùng đoàn công tác đã làm việc tại Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) về tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW và Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh và huyện Cẩm Thủy.
Theo báo cáo của Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc, tháng 5/2017 sau khi công ty được bàn giao về UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo công ty xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Năm 2018, trên cơ sở Đề án, UBND tỉnh đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay Công ty vẫn là đơn vị hạch toán phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân, tổ chức và hoạt động chưa được xác định, dẫn đến khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Do đó, mặc dù đã bàn giao về tỉnh Thanh Hóa được 7 năm nhưng công ty vẫn chưa thể hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết số 30-NQ/TW và Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị.
Hiện nay, cơ sở vật chất của công ty được xây dựng từ lâu và hầu như đã hết thời hạn khấu hao, tài sản là rừng trồng và các loài cây khác bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Công ty thiếu nguồn vốn đầu tư, khả năng về tài chính hạn chế nên tỷ lệ đầu tư cho rừng trồng thấp, dẫn tới giá trị sản phẩm khai thác chưa cao. Tâm lý người lao động còn dao động do chưa thực hiện được việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của công ty nên một số lao động đã xin chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc. Khoản nợ của công ty đối với Tổng Công ty Giấy Việt Nam đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Trong những năm qua, công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất để tạo việc làm, doanh thu nhằm đáp ứng việc chi trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ liên quan của người lao động.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc làm rõ các vấn đề, như: Mối quan hệ của công ty với cơ quan chủ quản và các hộ nhận khoán; các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của công ty; kết quả sản xuất kinh doanh từ khi bàn giao về tỉnh Thanh Hóa đến nay; cơ sở để công ty cung cấp số liệu trong báo cáo với đoàn công tác; công tác quản lý đất và bảo vệ rừng; diện tích đất do công ty quản lý bị chồng lấn...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng ghi nhận những nỗ lực của Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc trong việc khắc phục khó khăn để triển khai Nghị quyết số 30 và Kết luận số 82 của Bộ Chính trị thời gian qua.
Nội dung báo cáo của công ty và ý kiến từ các ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Cẩm Thủy đã giúp đoàn có thêm thông tin, đánh giá sát thực hơn những khó khăn, tồn tại, hạn chế của các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay.
Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của công ty, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chuyển các bộ, ngành liên quan có giải pháp cụ thể, sớm giải quyết những hạn chế, bất cập.