Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển các dự án điện

Ngày 21/11, tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và EVN đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình đầu tư xây dựng các dự án điện.

Cùng tham dự buổi làm việc còn có ông Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Hervé Conan - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam.

Tháo gỡ cho các dự án trọng điểm

Theo ông Phạm Hồng Phương – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Ialy mở rộng (công suất 360MW). Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ucraine làm cho giá cả vật liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu (xăng dầu tăng gần 100%, thép tăng 30%,...), tuy nhiên liên danh các nhà thầu đã và đang nỗ lực điều hành, thi công trên công trường. Đến nay, nhiều hạng mục đã vượt tiến độ so với kế hoạch được duyệt từ 1 đến 3 tháng.

Ông Phương cho biết, hiện nay, dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng do EVN làm chủ đầu tư đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại tỉnh Gia Lai.

Theo ông, dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng công suất 360MW sử dụng lượng nước xả thừa để phát điện và làm nhiệm vụ điều chỉnh tần số, điều chỉnh điện áp đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt để quyết định đầu tư và Hội đồng thành viên EVN phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 384 ngày 27.9.2019. Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360 MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.398 tỉ đồng.

Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN báo cáo tại buổi làm việc

Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN báo cáo tại buổi làm việc

“Việc thi công dự án thủy điện Ialy mở rộng đến nay vẫn bám sát mục tiêu, tiến độ đề ra. Đang thi công toàn bộ hạng mục công trình chính. Nhiều hạng mục vượt tiến độ so với tiến độ thị trong được duyệt từ 1-3 tháng”- ông Phạm Hồng Phương nêu.

Vốn của dự án do EVN tự thu xếp khoảng 30% và vốn vay thương mại không bảo lãnh Chính phủ khoảng 70%. EVN và AFD (cơ quan phát triển Pháp) đã ký thỏa ước tín dụng khoản vay nước ngoài với giá trị 74,7 triệu Euro (1.900 tỉ đồng).

Đối với khoản vay trong nước, ngân hàng Agribank đang thẩm định, phê duyệt khoản vay để triển khai các thủ tục ký hợp đồng tín dụng có giá trị 2.400 tỉ đồng. Dự kiến hợp đồng được ký kết trong quý 1.2023.

Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án thủy điện Ialy mở rộng. Tuy nhiên, tỉnh Gia Lai vẫn có ý kiến "chưa đủ cơ sở thực hiện do quy hoạch lâm nghiệp quốc gia 2021-2030 chưa được Thủ tướng phê duyệt".

Do đó, EVN đề nghị UBND tỉnh Gia Lai rà soát, cập nhật chỉ tiêu còn lại được phép chuyển mục đích sử dụng đã được Thủ tướng phân bổ trong quy hoạch giai đoạn 2016-2020 sang thực hiện giai đoạn 2021-2030 cho dự án theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để sớm hoàn thiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bàn giao đất cho dự án, đảm bảo tiến độ dự án.

“Việc chậm trễ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủ tục thế chấp tài sản vay vốn, ký hợp đồng tín dụng thương mại trong nước với Ngân hàng Agribank; không triển khai thi công mở rộng kênh sẽ ảnh hưởng tới công tác chống lũ năm 2023 và thi công đường dây 500kV”, ông Phương chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo EVN, tại văn bản số 656/TTg-NN ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án NMTĐ Ialy mở rộng. Tuy nhiên, tỉnh Gia Lai vẫn có ý kiến chưa đủ cơ sở thực hiện do quy hoạch lâm nghiệp quốc gia 2021-2030 chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, EVN đề nghị UBND tỉnh Gia Lai rà soát cập nhật chỉ tiêu còn lại được phép chuyển mục đích sử dụng đã được Chính phủ phân bổ trong quy hoạch giai đoạn 2016-2020 sang thực hiện giai đoạn 2021-2030 cho dự án theo văn bản hướng dẫn số 1409/TCLN-KL ngày 05/9/2022 của Tổng cục Lâm nghiệp. Việc này nhằm để sớm hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bàn giao đất cho dự án để có thể triển khai thi công các hạng mục đảm bảo tiến độ.

Ngoài dự án trên, EVN cũng đang triển khai đầu tư nhiều dự án truyền tải khác như: nâng công suất Trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku 2, xây dựng đường dây 220kV Pleiku 2 – KrongBuk mạch 2, TBA 220kV An Khê và đấu nối, TBA 220kV Krông Pa và đường dây 220kV Krông Pa – Chư Sê, đường dây 500kV Dung Quất – Krông Buk. Các dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và giai đoạn 2025-2030. Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đang đầu tư 7 công trình lưới điện 110kV, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025. Ngoài ra, còn có nhiều dự án cấp điện nông thôn khác.

EVN kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị điện lực trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 và Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Gia Lai. Bố trí quỹ đất cho các dự án điện trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch sử dụng đất hằng năm và công bố công khai. Tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đặc biệt đối với các công trình tại thành phố và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh.

Đối với các khu công nghiệp, các phụ tải lớn có nhu cầu từ 20MW trở lên, đề nghị tỉnh chỉ đạo các khách hàng phải bố trí đất để xây dựng trạm và hành lang tuyến đường dây 110kV.

Vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó

Ông Hervé Conan - Giám đốc AFD Việt Nam cho biết, những thông tin phía EVN cung cấp cho thấy rõ những khó khăn trong việc triển khai dự án thủy điện Ialy mở rộng hiện nay. Những vấn đề này cần được giải quyết nhanh để các đơn vị thi công có thể triển khai thi công các hạng mục đảm bảo tiến độ dự án.

"Chúng tôi đồng thuận với đề xuất của EVN trong vấn đề sắp xếp vốn cho Thủy điện Yaly, đặt mục tiêu các tổ máy hoạt động sau nửa sau năm 2024", ông nói.

Về phía Liên minh châu Âu cho rằng, chúng tôi lắng nghe chia sẻ và đặc biệt quan tâm đến tiềm năng liên quan đến năng lượng sạch, thủy điện, điện mặt trời, sinh khối và điện gió. Theo đó lưới truyền tải quốc gia rất quan trọng để sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng này.

Ông nhấn mạnh, lưới điện có vai trò quan trọng nếu không có lưới điện sẽ không thể truyền tải được nguồn năng lương tái tạo. “Chính vì vậy phải có lưới điện phù hợp, Liên minh châu Âu sẵn sàng chia sẻ về vấn đề này hỗ trợ Việt Nam để phát huy vai trò tận dụng tốt nguồn năng lượng tái tạo trong quá trình chuyển đổi xanh”- ông nói.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đã luôn quan tâm, phát triển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đã cơ bản hoàn thành đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa. Gia Lai cũng tận dụng tốt tiềm năng sẵn có để phát triển nguồn thủy điện, điện gió, điện mặt trời, qua đó góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi làm việc

Đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho Dự án NMTĐ Ialy mở rộng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Gia Lai xử lý dứt điểm kiến nghị của EVN để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án nhằm đảm bảo tiến độ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Ngoài ra, Gia Lai có tiềm năng điện sinh khối và tỉnh nên quan tâm, kêu gọi đầu tư để phát huy lợi thế này.

Lưới điện vai trò quan trọng, không phát triển tương xứng thì nguồn phát không thể truyền tải vào năng lượng quốc gia, nên cần phát triển lưới truyền tải phù hợp, EU có kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ cho tỉnh các tiếp cận mang tính tổng thể, cấp độ quốc gia, cấp độ địa phương, từ đó hỗ trợ toàn diện và tổng thể hơn. EU và các nước thành viên mong muốn hỗ trợ cụ thể và sâu sắc.

“Liên quan đến dự án Ialy mở rộng, “cứ quả trứng đợi con gà, con gà đợi quả trứng”, xử lý diện tích đất rừng mà chậm thì sẽ ảnh hưởng tới chậm tiến độ. Chờ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thì không biết lúc nào, vì quy trình thẩm định phức tạp, nên ông Hervé Conan cũng mong giải quyết dứt điểm vấn đề này”- Thứ trưởng nêu.

Thứ trưởng cũng lưu ý, về phát triển điện trên địa bàn, ngoài phát triển thủy điện vừa và nhỏ thì làm sao thúc đẩy hơn về năng lượng tái tạo, hiện Gia lai quy hoạch điện tương đối nhiều, sắp tới bổ sung thêm điện gió, muốn quan tâm thêm điện sinh khối, hiện nay có nhà máy đường Gia Lai, tiềm năng có thể lên tới 800 MW, nên cần quan tâm hơn.

Ông Hồ Phước Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết "rất ủng hộ" việc thực hiện dự án thủy điện Yaly mở rộng. Về những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại tỉnh Gia Lai, ông Thành cho biết đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp cùng EVN để giải quyết, vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doan-cong-tac-bo-cong-thuong-lam-viec-voi-tinh-gia-lai-ve-tinh-hinh-phat-trien-cac-du-an-dien-227878.html